Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Các chức sắc, chức việc tôn giáo trên địa bàn huyện Thủy Nguyên tích cực tham gia bảo đảm an sinh - xã hội

Các chức sắc, chức việc tôn giáo trên địa bàn huyện Thủy Nguyên tích cực tham gia bảo đảm an sinh - xã hội

Ngày 23-04-2024 Lượt xem 808

Thuỷ Nguyên là huyện phía Bắc của thành phố Hải Phòng, là trung tâm kết nối giữa Hải Phòng với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương. Trên địa bàn huyện có 37 đơn vị hành chính (35 xã, 2 thị trấn) trong đó có 2 xã khu vực biên giới biển; 285 thôn, tổ dân phố (268 thôn, 17 tổ dân phố). Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện 262 km2, dân số khoảng 365.000 người.

Giáo xứ Đồng Giá tặng quà cho hộ nghèo nhân dịp Tết Giáp Thìn

Trên địa bàn huyện hiện có 3 tổ chức tôn giáo chính: Phật giáo; Công giáo; Tin lành được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, hoạt động hợp pháp. Toàn huyện có 103 cơ sở thờ tự (trong đó 93 chùa, 10 nhà thờ, nhà cầu nguyện) với 120 vị tăng, ni trụ trì (trong đó: 1 Thượng toạ; 6 Đại đức; 6 Ni sư; 85 Sư cô; 22 Sa di ni);  04 linh mục cắm xứ (đạo Công giáo); 11 Mục sư; 03 truyền giáo (14 điểm nhóm Tin lành). Tổng tín đồ tôn giáo là: 42.359 người (trong đó Đạo Phật 36.350 tín đồ; Công giáo 5.587 tín đồ; Tin lành 422 tín đồ). Các tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật. Các ngày lễ lớn của tôn giáo như Đại lễ Phật đản, Lễ Giáng sinh, Phục sinh và các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo khác đều diễn ra an toàn, tiết kiệm, tuân thủ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, thành phố và huyện.

Với phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, thời gian qua, các vị chức sắc, chức việc tôn giáo trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, nhất là tham gia đóng góp vào công tác an sinh xã hội tại địa phương. Cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã duy trì tốt mối quan hệ thường xuyên với các tổ chức tôn giáo và các chức sắc, chức việc; thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để các tôn giáo tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Các chức sắc, chức việc tôn giáo trên địa bàn huyện đã tuyên truyền vận động tín đồ tham gia tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh; vận động các tín đồ tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ những gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa, trẻ em tàn tật mồ côi, nhiễm chất độc da cam, từ đó tạo sự chia sẻ, gắn kết trong cộng đồng. Trong 5 năm qua, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn huyện hỗ trợ xây dựng 34 nhà ở tặng hộ nghèo, cận nghèo, với tổn trị giá tiền hỗ trợ là 1,879 tỷ đồng; tặng quà hộ nghèo 3.810 suất, tổng trị giá 1,650 tỷ đồng; tặng quà các gia đình chính sách, người có công 1.003 suất trị giá 378,8 triệu đồng; tặng 744 suất học bổng học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trị giá 605,2 triệu đồng. Kết quả này góp phần tích cực vào thực hiện công tác an sinh xã hội của huyện, trong đó tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí hiện nay của huyện giảm còn 524 hộ (năm 2019 theo tiêu chí cũ hộ nghèo toàn huyện là 903 hộ), số hộ nghèo có khó khăn về nhà ở toàn huyện hiện còn trên 60 hộ (năm 2019 là 350 hộ). 1 số cá nhân chức sắc tiêu biểu như:

Thượng tọa Thích Minh Hoà, Trụ trì chùa Bảo Phúc, xã Hợp Thành, huyện Thuỷ Nguyên là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Người có uy tín làm nhiều việc tốt” do Mặt trận Tổ quốc phát động. Thời gian qua, Thượng tọa Thích Minh Hoà luôn quan tâm kêu gọi ủng hộ sách vở, quần áo tặng học sinh nghèo nhân ngày khai giảng năm học mới và phát thưởng cuối năm học. Thượng tọa nhận trợ cấp hằng tháng cho các cháu học sinh mồ côi cha mẹ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và tặng quà cho người già, tàn tật, hộ nghèo trong các dịp lễ, Tết. Ngoài ra, Thượng tọa đã vận động phật tử đóng góp tiền hỗ trợ xây mới 08 ngôi nhà tình thương tặng các hộ gia đình nghèo… Với tổng số tiền giúp đỡ từ năm 2019 đến nay hơn 1,2 tỷ đồng. Theo Thượng tọa Thích Minh Hoà, giáo lý nhà Phật dạy làm người phải biết thương yêu, chia sẻ với nhau trong những lúc khó khăn, có lòng vị tha, đoàn kết. Vì thế, trong những dịp gặp gỡ bà con phật tử, Thượng tọa thường tuyên truyền về đạo đức, trách nhiệm bổn phận của công dân đối với xã hội, nhất là chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước. Từ đó, có nhiều phật tử tiếp thu, tham gia tích cực các phong trào an sinh xã hội, chia sẻ khó khăn với người nghèo, với quan điểm đem niềm vui cho người khác là tạo ra niềm vui cho mình.

Sư Cô chùa Kiến Linh cùng nhóm Phật tử tặng quà cho gia đình bệnh nhân
có hoàn cảnh khó khăn

Ni Sư Thích Tịnh Nguyên, trụ trì chùa Bảo Quang Tự, xã Ngũ Lão trong 3 năm ủng hộ 300 triệu đồng vào quỹ từ thiện xã hội để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật, cô đơn. Sư Cô Thích Tịnh Châu chùa Hàm Long, xã Chính Mỹ tặng quà các cháu học sinh 20 triệu đồng. Sư Cô Thích Diệu Thoa trụ trì chùa Kiến Linh, xã Phục Lễ, từ năm 2019-2023, thường xuyên hỗ trợ xây 03 nhà tình thương, tặng quà, giúp đỡ những người bệnh khó khăn tại bệnh viện, với số tiền là 3,057 tỷ đồng. Tỳ kheo ni Thích Diệu Ngoan, trụ trì chùa Linh Phúc; Ni sư Thích Diệu Duyên chùa Phúc Ninh ở xã Cao Nhân hỗ trợ xây nhà tình thương tặng 9 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách với số tiền 740 triệu đồng…

Linh mục và nhóm bắc ái giáo xứ Hữu Quan tặng quà hộ dân xã Trung Hà

Linh mục Nguyễn Văn Chiến, giáo xứ Đồng Giá, xã Thiên Hương trong các năm qua với tinh thần “Kính Chúa, Yêu người” của Công giáo luôn giúp đỡ xây sửa nhà cho 05 hộ nghèo. Hằng năm, Linh mục vận động Hội Doanh nhân Công giáo và các tổ chức từ thiện tặng học bổng, xe đạp các học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Với những việc làm ấy góp phần chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, xây dựng cộng đồng đoàn kết lương giáo. Linh mục Đoàn Thanh Vững, giáo xứ Hữu Quan, xã Dương Quan, trong các ngày lễ trọng, Tết cổ truyền của dân tộc tặng quà hơn 150 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật không để ai bị bỏ lại phía sau và mọi gia đình đều được vui Tết… Với nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng bác ái, từ bi, hỉ xả, các chức sắc tôn giáo, không phân biệt lương, giáo tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, hỗ trợ thiết thực đối với các phật tử và tín đồ, thực sự phát huy vai trò cầu nối tích cực giữa giáo dân với cấp ủy, chính quyền; gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời vận động tín đồ tích cực hưởng ứng và tham gia hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân tại địa phương, góp phần cùng thành phố làm tốt công tác an sinh xã hội.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn huyện thể hiện rõ vai trò và tham gia, có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Các tổ chức tôn giáo ý thức, trách nhiệm chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch, giảm bớt quy mô các nghi lễ truyền thống; tích cực tuyên truyền, vận động các tín đồ thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch; tổ chức vận động quyên góp để hỗ trợ nhu yếu phẩm, vật tư y tế cho người dân trong các khu vực cách ly, khu phong tỏa, các lực lượng làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát dịch. Những việc làm thiết thực và hiệu quả này đã góp phần quan trọng giúp cho huyện Thuỷ Nguyên sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19, đưa cuộc sống của Nhân dân trở lại trạng thái bình thường mới.

Huyện Thủy Nguyên đang tích cực thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 – 2025. Một nhiejm vụ quan trọng mà huyện tập trung thực hiện là đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, hoàn thiện các thủ tục pháp lý để chuyển đổi huyện Thuỷ Nguyên thành thành phố thuộc thành phố Hải Phòng trước năn 2025. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề đòi hỏi sự có sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục khơi lên sức mạnh đoàn kết, sự tham gia tích cực của các tổ chức tôn giáo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, trong đó có công tác bảo đam an sinh xã hội gắn với phát triển kinh tế và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện; thời gian tới huyện tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến tham gia của  các chức sắc, chức việc tôn giáo, tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ, gần gũi, thân thiện giữa các tôn giáo với cấp uỷ, chính quyền địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để khích lệ, động viên chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo chấp hành pháp luật và huy động các nguồn lực của tôn giáo cho sự phát triển của huyện.  

Hai là: Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội, hội quần chúng các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sâu sát cơ sở; tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào tôn giáo. Phát huy lực lượng quần chúng có tôn giáo, làm cho đồng bào các tôn giáo đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân, chung lòng, chung sức xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện.

Ba là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đến đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị, đến chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo, qua đó nâng cao nhận thức, tự giác tuân thủ chấp hành của cán bộ, đảng viên, chức sắc, tín đồ các tôn giáo.

Bốn là: Thường xuyên, định kỳ sơ, tổng kết các mô hình mới, cách làm hay trong công tác tôn giáo để đánh giá, nhân rộng điển hình./.

  Đồng chí Dương Th Thập
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thủy Nguyên

Hệ thống văn bản

zalo

ZALO

zalo Kênh Zalo Hệ thống văn bản