Chùa An Lạc hiện ở số 902 đường Tôn Đức Thắng, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, có diện tích 1.199,6 m2.
Theo truyền ngôn, đình và chùa An Lạc được xây dựng từ thời nhà Trần. Cách bố trí xây dựng vừa đình vừa chùa dân gian gọi là tiền Thánh, hậu Phật. Tên cũ của làng An Lạc là làng An Chân là một làng cổ thuộc huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương xưa. Khoảng năm 1925, làng An Chân được đổi thành làng An Lạc, xã Hùng Vương, huyện An Dương, tỉnh Kiến An.
Đình An Lạc thờ cụ Nguyễn Quí làm Thành hoàng vì có công tập hợp dân phiêu tán lập nên làng An Chân. Đồng thời phối thờ hai cụ Trình Vinh và Nguyễn Túc, cùng là danh tướng có công cùng Hưng Đạo Vương phò Vua Trần Nhân Tông đánh thắng giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng năm 1288, có sắc phong lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Vào cuối thế kỷ XIX tại địa bàn xã Hùng Vương, Pháp làm đường xe lửa đi qua, xây dựng nhà ga và khu kho nhiên liệu Sở Dầu. Khuôn viên chùa bị thu hẹp, cảnh quan thay đổi rất nhiều, một thời gian dài chùa trở nên hoang phế. Nhà chùa và Phật tử đã tham gia đóng góp cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Từ năm 1927 đến 1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Bí thư Thành ủy đã chọn chùa An Lạc làm cơ sở liên lạc chỉ đạo hoạt động cách mạng khu vực Hải Phòng. Tháng Tám năm 1945, chùa là nơi tập hợp lực lượng chuẩn bị giành chính quyền huyện An Dương.
Trong kháng chiến chống Pháp, đây là căn cứ tập kết lực lượng của tự vệ khu 1 tập kích vào Sở Dầu, ga Thượng Lý. Từ năm 1967 đến 1972 khu vực Sở Dầu, Thượng Lý là trọng điểm bắn phá của máy bay giặc Mỹ xâm lược nên chùa bị phá hủy hoàn toàn.
Đáp ứng nguyện vọng tín ngưỡng của nhân dân, năm 1994 Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cho phép xây dựng chùa An Lạc trên khuôn viên hiện nay.
Chùa An Lạc hiện nay được xây mới hoàn toàn. Từ ngoài đường Tôn Đức Thắng vào là Tam quan, cũng là Gác chuông, có mái đao nhiều tầng, cổ kính, xây theo lối truyền thống ở các đình chùa Việt Nam. Đi qua Tam quan là vào sân chùa lát gạch phẳng phiu. Chính giữa sân xây dựng bể cảnh mà trên đó đặt pho tượng Quán Thế Âm bằng xi măng trắng. Tòa Bảo điện nhìn về hướng Tây, xây theo hình chữ Công, 5 gian bằng gỗ lim, có hàng cột hiên bằng đá xanh. Bên trái là ngôi đình 5 gian, kế tiếp là Nhà tổ, đến khu nhà ở của Tăng Ni. Phía bên phải là Nhà khách, tiếp đến là Giảng đường, cuối dãy bên phải là vườn cây, khu nhà bếp, khu công trình phụ.
Năm 1990, Ni trưởng Thích Đàm Nhân, thế danh Nguyễn Thị Thục, hiệu Tâm Đức thuộc phái thiền Lâm Tế, là con gái làng được dân làng mời về trụ trì đã cùng với các lão thành địa phương đứng đầu là cụ Nguyễn Dần, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, cùng với Phật tử nhân dân đứng lên xây dựng chùa trên mảnh đất hiện nay, không phải trên nền móng cũ. Ni trưởng đã xây dựng lại toàn bộ công trình chùa như hiện nay và tiếp độ được 6 đệ tử xuất gia và quy y Tam bảo cho hàng trăm tín đồ Phật tử.
Ngày 09 tháng 7 năm 2013, tức ngày 02 tháng 6 năm Quý Tỵ, Ni trưởng viên tịch, trụ thế 86 năm, Tháp hiệu An Lạc. Sư trụ trì hiện nay là Ni sư Thích Diệu Hương.
Hằng năm, chùa thường tổ chức lễ hội, giỗ Tổ, lễ Vu Lan, cầu an năm mới, tết Trung thu, Phật Đản, ngày giỗ Ni trưởng Thích Đàm Nhân.
Chùa An Lạc được xếp hạng Di tích Lịch sử kháng chiến theo quyết định số 177/QĐ-UB ngày 28/01/2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.
Chùa An Lạc hiện là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo của quận Hồng Bàng và là điểm đến du lịch hấp dẫn của khách trong và ngoài thành phố.
Nguồn: Chùa Hải Phòng - Xưa và nay