Những năm gần đây, lợi nhuận thu được từ sản xuất nông nghiệp theo cách truyền thống thấp, cộng với tình hình thời tiết diễn biến thất thường, dịch bệnh, sâu hại khó kiểm soát đã khiến cho người nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng, dẫn đến tình trạng ruộng bỏ hoang ở các địa phương ngày càng nhiều, gây nhiều hệ lụy và khó khăn trong công tác quản lý, lãng phí nguồn lực đất đai.
Xuất phát từ tình hình trên, ngày 25/4/2023, Ban Thường vụ Huyện uỷ Kiến Thuỵ đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân tiếp cận đất đai đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng khoa học, công nghệ cao, gắn với chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, bền vững.
Với quyết tâm thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy, Đảng uỷ xã Đại Đồng thuộc Đảng bộ huyện Kiến Thụy đã chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất, nhằm khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún. Trong đó, mô hình “Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Đại Đồng” do anh Lã Hà Thắng làm Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị là một trong những mô hình tiêu biểu.
Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Đại Đồng, thôn Phong Cầu 1, xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy
Xuất phát từ mong muốn xây dựng một mô hình sản xuất những loại rau quả hữu cơ chất lượng để cung cấp cho người dân những sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn, năm 2023, anh Lã Hà Thắng đã gặp lãnh đạo Đảng uỷ, UBND xã Đại Đồng để bày tỏ nguyện vọng và mong địa phương tạo điều kiện giúp đỡ về mặt thủ tục, pháp lý và các điều kiện cần thiết khác. Mong muốn, nguyện vọng của anh đã được Ban Thường vụ Đảng ủy xã ủng hộ cao.
Tuy nhiên, thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất là một việc không dễ, bởi việc làm trước tiên là cần vận động người dân địa phương cho thuê lại ruộng đất để sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh những người dân sẵn sàng ủng hộ thì cũng có một bộ phận người dân còn tư tưởng giữ đất mặc dù không có nhu cầu sản xuất hoặc không có khả năng tổ chức sản xuất hiệu quả. Trước tình hình đó, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể, khảo sát kĩ tình hình thực tế, lên danh sách những hộ có ruộng không cấy ở khu vực định thực hiện mô hình để có phương án tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân cho mượn ruộng. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, trực tiếp cá nhân anh Thắng đã cùng với một số cán bộ địa phương không quản ngày, đêm đến từng hộ, trình bày kế hoạch, mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện mô hình đối với việc bảo vệ sức khỏe cũng như bảo vệ môi trường sống cho người dân trên địa bàn huyện nói chung và người dân xã Đại Đồng nói riêng; đồng thời, anh cũng cam kết với người dân sau khi hết thời hạn hợp đồng là 5 năm, nếu người dân có nhu cầu lấy lại ruộng sẽ trả lại mà không lo bị mất. Có sự bảo đảm của chính quyền địa phương cùng với những lý lẽ thuyết phục trong quá trình tuyên truyền, vận động, kết quả, anh đã vận động người dân cho thuê ruộng với tổng diện tích là 1,2 ha để thành lập Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Đại Đồng để chuyên sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe của người dân.
Kiểm tra, theo dõi, đánh giá quá trình phát triển của cây su hào tím tại trang trại hữu cơ
Có được diện tích đất như mong muốn, trước khi tiến hành sản xuất, anh Thắng đã cùng với Ban Quản trị Hợp tác xã lên phương án quy hoạch rõ ràng trong từng không gian, vị trí theo quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ; xây dựng được 30 nhà lưới chắc chắn, tạo môi trường cách li, không để các loài sâu bệnh có hại xâm phạm vào bên trong khu vực gieo trồng; hệ thống tưới tự động được áp dụng linh hoạt cho từng khu vực; đất để gieo trồng các loại rau, củ được cải tạo cẩn thận và hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, thông qua sức lao động của 9 nhân công làm việc trực tiếp; giống để sản xuất là các hạt giống hữu cơ tự nhiên, không sử dụng phân hóa học hoặc thuốc trừ sâu độc hại. Hiện tại Hợp tác xã đã và đang trồng các loại rau, quả sạch như: Rau muống, cải ngọt, cải canh, cải ngồng, rau dền, xà lách, dưa chuột, dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới… Mỗi ngày Hợp tác xã cung cấp ra thị trường gần 100 kg rau củ, quả các loại; doanh thu đạt 600 triệu đồng/năm, sản phẩm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người sử dụng và đã được Trung tâm giám định và chứng nhận đạt chuẩn hợp quy VIETCERT công nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ vào tháng 8/2023.
Anh Lã Hà Thắng – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Đại Đồng
Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Đại Đồng được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả đã tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả Ðề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 08-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện uỷ Kiến Thụy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Với kết quả đã đạt được, năm 2023, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Đại Đồng, xã Đại Đồng đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”./.
Ban Dân vận Huyện ủy Kiến Thụy