Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Thực hiện chính sách đoàn kết tôn giáo ở Việt Nam dưới ánh sáng  tư tưởng Hồ Chí Minh

Thực hiện chính sách đoàn kết tôn giáo ở Việt Nam dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày 10-07-2024 Lượt xem 968

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm vấn đề đoàn kết tôn giáo, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết tôn giáo gồm đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo với đồng bào không có tín ngưỡng tôn giáo; đoàn kết giữa đồng bào theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; và đoàn kết giữa đồng bào trong cùng tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng.... Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo thiết thực góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đấu tranh làm thất bại âm mưu thâm độc “chia để trị” của các thế lực thù địch.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo

Đã là người Việt Nam dù là lương hay giáo theo quan điểm Hồ Chí Minh thì họ đều có chung cội nguồn sâu xa cùng nòi giống “con Rồng cháu Lạc”, cùng chung vận mệnh dân tộc và gắn bó với nhau bởi truyền thống đoàn kết. Truyền thống đoàn kết của dân tộc đã được xây dựng trên cơ sở sự tương đồng, thống nhất về nhu cầu và lợi ích. Lợi ích đó là: Đất nước phải có độc lập, nhân dân phải được sống trong tự do. Trong kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bước sang năm thứ tư. Đồng bào đểu biết rằng: ngày bắt đầu kháng chiến, lực lượng quân sự của giặc Pháp mạnh hơn ta. Thế mà ta càng ngày càng thắng lợi. Đó là nhờ sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân và sự hăng hái tham gia kháng chiến của mọi người, giáo cũng như lương”. Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và đi lên xây dựng CNXH, trở thành hậu phương lớn cho miền Nam để hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc trong cả nước, lúc này động lực giải phóng dân tộc vẫn là hàng đầu. Bên cạnh động lực này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến những động lực khác: “Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống ấm no, xây dựng Tổ quốc, phải chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của tất cả các tôn giáo”. Người còn chỉ rõ: “Đảng Cộng sản chẳng những không tiêu diệt tôn giáo mà còn bảo hộ tôn giáo. Đảng Cộng sản chỉ tiêu diệt tội ác người bóc lột người”.

Đoàn kết tôn giáo được xây dựng trên cơ sở kết hợp đúng đắn các lợi ích cơ bản của công dân trong xã hội làm mẫu số chung. Đoàn kết tôn giáo là một trong những cơ sở nền tảng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, là bộ phận hữu cơ bảo đảm cho cách mạng giành được thắng lợi dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, để bảo đảm sự đoàn kết giữa các lực lượng được bền chặt, thống nhất phải dựa trên cơ sở lợi ích: kết hợp giữa lợi ích dân tộc với lợi ích của các tầng lớp nhân dân lao động, trong đó có bộ phận quan trọng là đồng bào có tôn giáo.

Để thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo, Chủ tịch Hỏ Chí Minh đã chủ trương phát huy những yếu tố tương đồng, dùng cái tương đồng để khắc phục những dị biệt, kiên quyết tránh xúc phạm đến đức tin của đồng bào có tôn giáo. Người đã tìm thấy mẫu số chung có ý nghĩa làm nền tảng tư tưởng cho đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo là “không có gì quý hơn độc lập tự do”; là xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân chủ và giầu mạnh, mang lại cuộc sống ám no hạnh phúc cho nhân dân, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới. Tháng 1/1946, trước vận mệnh Tổ quốc lâm nguy, khi mà tâm quay trở lại xâm lược thực dân Pháp rắp tâm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài đăng trên báo Cứu quốc, Người nhấn mạnh, nước không độc lập thì tôn giáo không được tự do, nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có thái độ ứng xử rất mềm dẻo, tế nhị với các chức sắc tôn giáo, quan tâm đến cuộc sống đời thường của tín đồ. Hơn ai hết, Người luôn hiểu rằng: chức sắc các tôn giáo là những người thay mặt Đức Chúa, Đức Phật, “chăn dắt” phần hốn tín đồ các tôn giáo, giáo dân tin họ, nghe theo họ tức là tin và nghe theo Đức Chúa, Đức Phật; vì vậy, uy tín và tiếng nói của họ đối với tín đồ tôn giáo là rất lớn. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn bày tỏ thái độ thân thiện, đoàn kết thân ái và cộng tác khá chặt chẽ với nhiều vị giám mục, linh mục, hòa thượng, thượng tọa, chưởng quản. Chẳng hạn như Giám mục Lê Hữu Từ, Hoàng Quỳnh, Linh mục Phạm Bá Trực, Thượng tọa Thích Mật Thể, Chưởng quản Cao Triều Phát. Trong thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ nhân dịp lễ Nôen, Người viết: “Nhân dịp lễ Nôen, tôi kính chúc Cụ mọi sự lành để phụng sự Đức Chúa và để lãnh đạo đồng bào Công giáo tham gia kháng chiến, đặng tranh lại thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. Đối với Phật giáo, nhân những ngày lễ lớn như ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gửi thư chúc mừng, điều đó làm cho các tín đồ Phật giáo rất phấn khởi vì Cụ Chủ tịch mặc dù rất bận song vẫn quan tâm đến ngày vui của họ. Lời lẽ, ngôn từ trong thư rất giản dị, mộc mạc nhưng lại hết sức gần gũi với kinh sách nhà Phật. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“Các vị tăng ni và các tín đồ thân mến”,

Nhân dịp lễ Đức Phật Thích ca thành đạo, tôi thân ái gửi đến các vị tăng ni và đồng bào tín đồ lời chào đại hòa hợp”

Đối với tín đồ các tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến đời sống tâm linh của họ mà trên cương vị Chủ tịch nước, Người đặc biệt quan tâm đến đời sống hằng ngày của người dân có tôn giáo. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ cấp cơ sở phải thường xuyên chăm lo đời sống mọi mặt của đồng bào, từ ăn, mặc, ở, đi lại, học hành đến khi ốm đau phải được chữa bệnh. Người đã nói: giáo dân không thể chịu đói, chịu rét đi lễ nhà thờ, do vậy phải chăm lo cho họ “phần xác” no ấm, “phần hồn” vui vẻ; các cơ sở thờ tự của các tôn giáo như đình chùa, miếu mạo, nhà thờ phải được tu sửa, bảo vệ. Là một lãnh tụ cộng sản, trên cương vị Chủ tịch nước nhưng Hồ Chí Minh hoàn toàn không xa lạ với đồng bào và chức sắc các tôn giáo. Ngược lại, với thái độ chân thành, bằng phương pháp cách mạng mềm dẻo song rất kiên quyết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở nên gần gũi, thân thuộc với đồng bào và chức sắc các tôn giáo.

Chủ tịch Hồ Chủ tịch luôn đánh giá đúng giá trị nhân bản trong các tôn giáo, phân biệt các tổ chức và giáo dân chân chính với tổ chức, cá nhân giả danh tôn giáo để đoàn kết tập hợp lực lượng cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu tất cả các tôn giáo đang có mặt ở Việt Nam và Người rút ra nhận xét khái quát: các tôn giáo ở Việt Nam dù là nội sinh hay ngoại sinh, đều chứa đựng trong giáo lý của mình những lời khuyên làm điều thiện, tránh điều ác. Với những lời văn mộc mạc, chân thành có sức thuyết phục lòng người, khi nói về các vị sáng lập ra các tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“Chúa Giê-su dạy: đạo đức là bác ái

Phật Thích Ca dạy: đạo đức là từ bi

Khổng Tử dạy: đạo đức là nhân nghĩa".

Bên cạnh tuyệt đại bộ phận tín đồ tôn giáo chân chính, cũng còn một bộ phận lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống phá cách mạng, phá hoại khối đoàn kết tôn giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra chuẩn mực để phân biệt rõ ngay - gian, chính - tà. Người ca ngợi những tín đổ chức sắc tôn giáo nêu cao chính nghĩa tận tâm, tận lực đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng nhân dân khỏi ách nô lệ, áp bức, đói nghèo…

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo vào thực hiện chính sách đoàn kết tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

Hiện nay, Việt Nam có 16 tôn giáo và 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động, hơn 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số; khoảng 54 nghìn chức sắc; 135 nghìn chức việc. Đại đa số đồng bào tôn giáo là người lao động, luôn “đồng hành” cùng dân tộc và có nhiều công lao đóng góp trong cách mạng giải phóng dân tộc trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay. Tuy nhiên, tôn giáo là một lĩnh vực tinh tế và nhạy cảm trong đời sống xã hội, các thế lực thù địch luôn lợi dụng tôn giáo để chống phá chủ nghĩa xã hội và thực tiễn chứng minh rằng kẻ thù chưa khi nào từ bỏ lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam. Trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta, chúng luôn sử dụng vấn đề “dân tộc, tôn giáo” để gây mất ổn định chính trị, chia rẽ đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, hòng làm suy yếu và tiến tới lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo trong tình hình hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định quan điểm, chính sách tôn giáo nhất quán là: "Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật”.

Do đó, để góp phần vận dụng và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo trong thực hiện chính sách tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhất là đối với cấp uỷ, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp về vai trò, nhiệm vụ công tác tôn giáo trong tình hình mới. Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, nhằm giúp đồng bào các tôn giáo thực hiện tốt phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", “Nước vinh, Đạo sáng”, “Sống Phúc âm, phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc”, gắn bó với dân tộc, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”. Vì vậy, trong thực hiện, các cấp cần phân định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý nhà nước của chính quyền; không ngừng phát huy vai trò vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quấn chúng trong việc động viên đồng bào tôn giáo tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Để đạt hiệu quả, các ngành, các cấp cần coi trọng việc tổ chức cho cán bộ, Nhân dân nói chung, đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng học tập các quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác tôn giáo. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích, giác ngộ cho tín đồ, chức sắc, chức việc các tôn giáo hiểu được trách nhiệm của mình đối với dân tộc và đất nước, góp phần tăng cường sự đồng thuận giữa đồng bào tôn giáo và không theo tôn giáo cũng như giữa các tín đổ tôn giáo khác nhau. Qua đó, để đồng bào nắm và thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước ta. Đây chính là cơ sở sở để Nhân dân nhận rõ những hành vi lợi dụng tôn giáo để hoạt động trái pháp luật, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hai là, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào tôn giáo. Chính sách này vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, có ý nghĩa sâu sắc trong việc ổn định, đoàn kết đồng bào tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng bào vùng sâu, vùng xa, do điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội kém phát triển nên đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp. Đây thực sự là mảnh đất thuận lợi để kẻ xấu lợi dụng truyền đạo trái phép, gieo rắc tà đạo, xây dựng cơ sở để chống phá cách mạng, chống lại đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Như vậy, chỉ có cải thiện, ổn định và nâng cao dẫn đời sống chính trị - tư tưởng cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng tín đồ tôn giáo thì mới đưa được đường lối của Đảng, chính sách của Chính phủ đến với đồng bào, để đồng bào hiểu rõ bản chất, âm mưu thâm độc của kẻ thù. Trong thực hiện, cần phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng các tổ chức xã hội tích cực vận động đồng bào các tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đồng thời, các đoàn thể tích cực phát triển đoàn viên, hội viên, tăng cường xây dựng lực lượng nòng cốt cho phong trào quần chúng, góp phần cùng cố khối đại đoàn kết toàn dân ở địa phương.

Ba là, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Thực tiễn thời gian qua minh chứng: đội ngũ cán bộ giữ vai trò hàng đầu, tác động trực tiếp đến hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo và hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động tín đồ các tôn giáo. Do đó, để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo bảo đảm dài hạn, khoa học, hợp lý, công việc đầu tiên là phải tiến hành khảo sát, thống kê số lượng cán bộ làm công tác tôn giáo, nhất là đánh giá năng lực, trình độ của độ ngũ này. Từ đó, phân loại cán bộ theo trình độ để có kế hoạch bồi dưỡng đúng đối tượng. Đối với những địa phương có nhiều hoạt động tôn giáo, cần ưu tiên số lượng nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở, những người trực tiếp giải quyết vấn đề liên quan đến tôn giáo ở cơ sở; nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng có vấn đề tôn giáo mới phát sinh. Quá trình đào tạo, bồi dưỡng, các cấp cần đa dạng hóa các loại hình, nội dung phải luôn mới, sát hợp thực tế, thậm chí phải có tính “vượt trước” thực tế, nhằm dự báo và chuẩn bị các phương án sẵn sàng nếu có điểm nóng xảy ra. Để nội dung thẩm thấu vào đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, cần phải tích cực đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp bồi dưỡng cho phù hợp với từng đối tượng, từng vùng tôn giáo khác nhau. Có như vậy mới xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra cả trước mắt và lâu dài.

Bốn là, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận theo quy định của pháp luật. Tạo điều kiện cho các tôn giáo sinh hoạt chính là tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển lành mạnh, tiền đề để chúng ta đoàn kết được họ vào trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là cách giải quyết rất khoa học, nhạy bén trong giai đoạn hiện nay, vừa đảm bảo tôn trọng tự do, tín ngưỡng, tôn giáo, vừa kiểm soát được sự phát triển lành mạnh theo hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận theo quy định của pháp luật, vừa đoàn kết được đồng bào tôn giáo vào trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người có tôn giáo bao giờ cũng có “bổn phận kép”: bổn phận với giáo hội và bổn phận với Nhà nước. Do đó, chúng ta phải kết hợp hài hòa “bổn phận kép” đó thì mới thuyết phục được đồng bào tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cùng cộng đồng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chức sắc, chức việc tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn đối với giáo dân; uy tín, tiếng nói của họ thường được đồng bào tôn giáo tin theo. Vì vậy, cùng với công tác vận động, cảm hóa, Đảng và Nhà nước ta cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cả về vật chất lẫn tinh thần với họ và có kế hoạch tạo nguồn phát triển lâu dài đội ngũ cốt cán tín đồ, chức sắc tôn giáo, nhất là ở những địa bàn trọng điểm.

Năm là, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và những hoạt động tôn giáo trái quy định của pháp luật. Chỉ có như vậy mới đảm bảo được quyền tự do chân chính của đồng bào tôn giáo hoạt động tôn giáo tự do, bình đẳng, đúng pháp luật; có bảo đảm quyền ấy mới làm cho đồng bào tôn giáo tự giác chống lại những thế lực lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện mưu đồ xấu. Đây là việc rất cấp thiết trong tình hình hiện nay, khi mà các tôn giáo và các hiện tượng tôn giáo mới phát triển rầm rộ, khó kiểm soát. Các địa phương cần phát hiện sớm và chủ động đấu tranh với những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trái pháp luật, đạo đức, thuần phong mỹ tục,...; đồng thời, hướng họ đi vào hoạt động lành mạnh, không vi phạm pháp luật. Để đạt hiệu quả, cấp ủy và chính quyền các cấp cần thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đồng thời, làm tốt công tác vận động quần chúng, tranh thủ đội ngũ già làng, chức sắc, chức việc, đội ngũ cốt cán vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào tôn giáo. Kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng, vi phạm pháp luật Nhà nước. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại về dân tộc, tôn giáo, giúp cho cộng đồng thế giới hiểu rõ chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta và thực tế tình hình đời sống, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Làm tốt công tác này sẽ góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội và huy động sự đóng góp của đồng bào các tôn giáo trong củng cố, tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trên cơ sở lập trường duy vật triệt để, Hồ Chí Minh đã có một tầm nhìn khá bao quát và rộng rãi. Điều đó đã đưa Người vượt qua thành kiến hẹp hòi đối với tôn giáo, thực hiện thắng lợi chiến lược đoàn kết toàn dân, góp phần đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Có thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo mặc dù ra đời đã lâu, trong một hoàn cảnh khá đặc biệt của đất nước, nhưng mãi cho đến nay tư tưởng của Người vẫn còn giá trị, là di sản tư tưởng vô cùng quý giá giúp Đảng và Nhà nước ta có cơ sở lý luận hoạch định chính sách tôn giáo trong bối cảnh tín ngưỡng, tôn giáo đang diễn biến không ít phức tạp như hiện nay. Do đó, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh và tuyên truyền giáo dục cho mọi người cùng hiểu, đặc biệt là quần chúng tôn giáo là việc làm cần thiết nhằm đoàn kết tốt các tôn giáo, vận động toàn dân thực hiện tốt những nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước về tôn giáo, đấu tranh chống địch lợi dụng tôn giáo chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội nước ta./.

Lê Thị Anh - Khoa Triết học, Học viện Ngân hàng
Đặc san Công tác Tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ

 

------------------------------

1. Phạm Ngọc Anh, Nguyễn Xuân Trung, Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, tín ngưỡng, Sách chuyên khảo, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2017.

2. Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016.

3. Nguyễn Đức Lữ (ch.b.), Phạm Văn Dần, Hoàng Minh Đô….. Lý luận về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Hành chính, Hà Nội, 2013.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5,6,7,9,10,13 Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011.

5. Ngô Đình Xây, Nguyễn Viết Thông, Ngô Văn Thạo…., Vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo, Chương trình bồi dưỡng chuyên đề dành cho cán bộ, đảng viên, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2018.

Kết nối

Hệ thống văn bản

THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Thực hiện dân chủ ở cơ sở Hệ thống văn bản