Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung, quyết tâm làm giàu

Tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung, quyết tâm làm giàu

Ngày 03-11-2023 Lượt xem 890

Ông Trần Tăng Dũng sinh ra và lớn lên tại Thôn 5 Đồng Trượng, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo. Thấy nhiều thửa ruộng màu mỡ phì nhiêu, nhưng hiện đang bị bỏ hoang do bà con không mặn mà với việc canh tác khiến anh trăn trở về sự lãng phí đất đai, tài nguyên... Từ suy nghĩ đó, ông có ý tưởng và mong muốn phát triển kinh tế nông nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Bắt đầu từ năm 2016, gia đình ông đã thuê ruộng của Nhân dân trong thôn, với tổng diện tích gần 15 ha và đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất như: máy cày, máy cấy, máy phun thuốc trừ sâu, máy gặt... Ban đầu, do cánh đồng không đồng đều, chưa quy hoạch được bờ ngăn và hệ thống mương tiêu thoát nước, chưa áp dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cùng với đó là nạn chuột và sâu bệnh phá hoại, sản lượng thu hoạch được ít, không tương xứng với công sức và tiền đầu tư nên gia đình ông gặp nhiều khó khăn, không muốn đầu tư tiếp. Nhưng khi nghĩ đến những mảnh ruộng Nhân dân bỏ hoang không canh tác, ông lại thấy xót xa, vì rất yêu quê hương, yêu những cánh đồng đã gắn bó với ông trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, đó chính là động lực để ông lại tiếp tục học hỏi, tìm tòi nghiên cứu và áp dụng khoa học kỹ thuật để xây dựng mô hình “Tích tụ ruộng đất sản xuất tập trung quy mô lớn”. Với sự quyết tâm cao, ông Trần Tăng Dũng sang các tỉnh Thái Bình, Nam Định học hỏi kinh nghiệm về mô hình vùng sản xuất tập trung, tìm hiểu một số loại giống lúa cho năng suất, chất lượng cao. Đồng thời ông và gia đình tiếp tục đầu tư vay vốn, mở rộng diện tích, làm mương tiêu thoát nước, đắp bờ ngăn, phân chia các thửa và mua thêm máy móc phục vụ sản xuất với số tiền hàng tỷ đồng.

Quy trình gieo mạ, xuống giống phục vụ cấy lúa trong vùng sản xuất tập trung quy mô lớn của
gia đình ông Trần Tăng Dũng, hội viên nông dân xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo

Với sự kiên trì học hỏi, cần cù lao động, phát triển kinh tế gia đình, tích cực học tập và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đúc kết được nhiều kinh nghiệm, gia đình ông hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn với diện tích hơn 15ha, chủ yếu trồng lúa chất lượng cao, cho thu hoạch bình quân từ 165 - 170 tấn/năm với giá bán từ 6.500đ/kg - 7.000đ/kg, thu được khoảng trên 01 tỷ đồng/năm. Tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động với thu nhập từ 4,5 đến 5 triệu đồng/người/ tháng.

Cánh đồng lúa chất lượng cao trong vùng sản xuất tập trung quy mô lớn của gia đình ông Trần Tăng Dũng, hội viên nông dân xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo

Bên cạnh việc làm kinh tế giỏi, ông Trần Tăng Dũng còn nhiệt tình, năng nổ, tích cực hưởng ứng các hoạt động, phong trào do địa phương phát động. Là hội viên của Chi hội Nông dân thôn 5 Đồng Trượng, thuộc Hội Nông dân xã Vĩnh Long, trong những buổi sinh hoạt, ông thường xuyên sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Bản thân ông và gia đình luôn được bà con trong thôn quý mến, là tấm gương cho mọi người học tập. Với mô hình kinh tế của mình, gia đình ông Trần Tăng Dũng đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, huyện Vĩnh Bảo, Hội Nông dân thành phố, các tổ chức và các cấp chính quyền địa phương và là điển hình của Hội Nông dân huyện Vĩnh Bảo trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nói về những dự định trong tương lai, ông Trần Tăng Dũng cho biết sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, mở rộng quy mô sản xuất, đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đem lại nguồn thu nhập cho gia đình. Đồng thời tiếp tục giúp đỡ, hướng dẫn Nhân dân địa phương áp dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống lúa, kinh nghiệm sản xuất để cùng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.

Từ mô hình trên đã phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của người hội viên nông dân về việc đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trong những năm qua tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, có sức lan tỏa và khả năng nhân rộng mô hình. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương. Đây cũng là mô hình nhận được sự đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền địa phương bởi giải quyết được bài toán về tình trạng bỏ ruộng do thiếu hụt lao động ở nông thôn./.

Đồng chí Nguyễn Thị Mai,
Phó trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ Vĩnh Bảo

Kết nối

Hệ thống văn bản

THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Thực hiện dân chủ ở cơ sở Hệ thống văn bản