Thành phố Hải Phòng là địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhiều, đứng thứ 3 cả nước. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động chỉ đạo, triển khai với quyết tâm chính trị cao, cùng sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, đồng hành hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương; ủng hộ, đồng thuận cao của quần chúng Nhân dân.
Lãnh đạo huyện Tiên Lãng, xã Quang Phục kiểm tra việc lập, công khai danh sách cử tri tham gia lấy ý kiến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Chỉ đạo quyết liệt
Thực hiện Nghị quyết số 45 ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, thành phố triển khai xây dựng 4 Đề án sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.
Theo đó, thành phố sắp xếp 82 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị giai đoạn 2023 - 2025; đồng thời thực hiện sắp xếp, điều chỉnh 3 đơn vị hành chính cấp huyện: thành lập thành phố Thủy Nguyên (nâng cấp từ huyện Thủy Nguyên) trực thuộc thành phố Hải Phòng, thành lập quận An Dương (nâng cấp từ huyện An Dương) và điều chỉnh địa giới hành chính huyện An Dương để mở rộng quận Hồng Bàng. Sau sắp xếp, Hải Phòng có 15 đơn vị cấp huyện (8 quận, 6 huyện và 01 thành phố); 167 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 50 đơn vị cấp xã (chiếm 23%).
Việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính phù hợp thực tiễn và xu thế phát triển của thành phố; tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung mở rộng sản xuất, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tinh giản biên chế; tiết kiệm chi cho ngân sách, góp phần nâng cao đời sống cán bộ, công chức và Nhân dân; đảm bảo quốc phòng; giữ vững trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Với nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và dồn lực để tổ chức thực hiện. Ban Thường vụ Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban. Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc định kỳ họp 1 lần/1 tháng để rà soát công việc và họp khi có những nội dung công việc quan trọng cần chỉ đạo gấp.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quang Trung chia sẻ, UBND thành phố thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương, định kỳ hàng tuần có báo cáo tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ, chủ động bám sát đường găng tiến độ trong kế hoạch để triển khai kịp thời, hiệu quả.
Đảng ủy, UBND xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo tổ chức Hội nghị giao ban triển khai đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025
Trong quá trình xây dựng các Đề án, thành phố chủ động làm việc với các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các nội dung về quy hoạch, phân loại và phát triển đô thị; tiếp cận, cập nhật được các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ các Đề án theo quy định. Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao trong các tầng lớp Nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Kết quả lấy ý kiến cử tri đạt tỷ lệ đồng thuận rất cao từ 97,82% trở lên, đặc biệt có địa phương đạt tuyệt đối 100%. Thành phố Hải Phòng hoàn thành các Đề án và trình Bộ Nội vụ, Chính phủ trước 30/6/2024 theo quy định.
Tích cực triển khai
Theo Đề án, ba xã Toàn Thắng, Quang Phục, Bạch Đằng của huyện Tiên Lãng sáp nhập thành xã mới. Chủ tịch UBND xã Quang Phục Nguyễn Văn Đoàn cho biết, cả hệ thống chính trị vào cuộc, Đảng ủy xã và các chi bộ tổ chức hội nghị, cuộc họp phổ biến, quán triệt tới đảng viên về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, từ đó lan tỏa tới quần chúng. Cán bộ cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà” truyên truyền, vận động, tiếp thu kiến nghị của người dân, giải thích thấu đáo. Với những cử tri còn băn khoăn, tổ công tác kiên trì giải thích, thuyết phục chủ trương chung của cả nước, sắp xếp góp phần phục vụ phát triển, không đơn thuần sáp nhập một cách cơ học, có điều kiện quy hoạch các vùng sản xuất đủ lớn để sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Những lo lắng của bà con về thay đổi giấy tờ, quản lý địa giới hành chính rộng hơn có thể tiềm ẩn phức tạp trong bảo đảm an ninh trật tự cũng được giải tỏa bởi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ làm thủ tục hành chính thuận tiện, nhanh chóng hơn; ngoài công an xã chính quy có thêm lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự địa bàn. Ban đầu người dân xã nào cũng muốn lấy tên xã mình đặt tên cho xã mới để đỡ mất công sức, thời gian làm thủ tục giấy tờ, cuối cùng giải pháp dung hòa đặt tên xã mới là Tân Minh, hàm nghĩa là sáng và mới, với 99,96% cử tri đồng thuận.
Guồng quay công việc đang ổn định, ban đầu tư tưởng một số cán bộ, công chức không mặn mà chuyện sáp nhập, lo lắng thay đổi vị trí công việc, giảm biên chế, không biết mình sẽ đi đâu về đâu. Các tổ công tác của các quận, huyện giao ban, rà soát, nắm sát tình hình cơ sở, tính toán xây dựng phương án bố trí, giải quyết số cán bộ dôi dư phù hợp. Người dân kỳ vọng lãnh đạo các xã, phường mới phát huy năng lực, trình độ và tâm huyết quy tụ đoàn kết, thống nhất để phát triển địa phương; đội ngũ cán bộ công chức nêu cao hơn tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân, trước mắt giải quyết thủ tục hành chính, sửa đổi các loại giấy tờ kịp thời để thuận tiện trong giao dịch.
Lần đầu tiên triển khai khối lượng công việc rất lớn trong thời gian ngắn, UBND huyện Kiến Thụy xác định sắp xếp đơn vị hành chính là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2024, không được bàn lùi, kêu khó, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bảo đảm công khai, dân chủ, thống nhất, huy động cả hệ thống chính trị từ huyện tới xã vào cuộc với quyết tâm đạt kết quả cao nhất. Công tác tuyên truyền được tăng cường bằng nhiều hình thức như đăng tải trên cổng thông tin điện tử, loa truyền thanh, các hội nghị… Nhân dân 3 xã Đại Hà, Ngũ Đoan và Thụy Hương đồng thuận rất cao phương án sáp nhập và đặt tên xã mới là Kiến Hưng. Việc lựa chọn tên gọi xã mới sau sáp nhập bảo đảm yếu tố lịch sử truyền thống của địa phương.
Làm tốt công tác tư tưởng là yếu tố quyết định thành công. Huyện chủ động xây dựng phương án sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ dôi dư hợp lý, giải quyết kịp thời chế độ chính sách bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp cũng như tâm tư, nguyện vọng, bố trí cơ sở hạ tầng bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tránh lãng phí. Cùng với đó, việc tạo điều kiện thuận lợi nhất giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại các xã sáp nhập phải điều chỉnh thông tin cũng được chú trọng.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Với số lượng dôi dư 840 cán bộ, công chức cấp xã và 307 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thành phố Hải Phòng chủ động xây dựng phương án bố trí, sắp xếp hoặc giải quyết chế độ, chính sách phù hợp, thực hiện theo lộ trình 5 năm. Ngay khi có chủ trương về sắp xếp đơn vị hành chính, UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương có đơn vị hành chính phải sắp xếp tạm dừng ngay việc tuyển dụng công chức cấp xã; cân đối số hiện có để sử dụng cho hợp lý, không thực hiện phân bổ 158 biên chế được tăng thêm theo quy định để dành cho quỹ biên chế sau khi hoàn thành sắp xếp.
Cử tri Tổ dân phố số 1 phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền xem danh sách niêm yết lấy ý kiến cử tri sáp nhập phường giai đoạn 2023 - 2025
Đồng thời chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát kỹ, xây dựng phương án bố trí đối với từng trường hợp cụ thể theo hướng: tiếp nhận vào công chức cấp huyện đối với các trường hợp đủ điều kiện; tiếp nhận vào viên chức các đơn vị sự nghiệp; bố trí sang các đơn vị hành chính cấp xã khác; thực hiện tinh giản biên chế. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã chịu tác động do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng được ban hành theo hướng thành phố sẽ hỗ trợ thêm so với quy định của Trung ương. Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, thành phố hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý 450 trụ sở và tài sản công của cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính sau sắp xếp.
Thành phố cũng chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương trong việc chuyển đổi giấy tờ cho tổ chức, cá nhân do thay đổi địa giới hành chính bảo đảm thuận lợi, kịp thời cho người dân. Thực tế triển khai sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 cho thấy, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính thì việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho tổ chức và cá nhân thuận lợi, không có nhiều vướng mắc khó khăn.
Vấn đề cốt lõi là làm tốt công tác tuyên truyền, khi tổ chức và cá nhân đến liên hệ để chuyển đổi các loại giấy tờ thì các cơ quan có thẩm quyền có liên quan phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết kịp thời; thậm chí có thể thực hiện chuyển đổi một số loại giấy tờ trực tiếp tại khu vực mà người dân đang sinh sống như đợt cao điểm triển khai cấp căn cước công dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân đánh giá việc triển khai xây dựng các Đề án sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023 - 2025 đã bám sát mục tiêu, nguyên tắc, yêu cầu tại Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 107 của Chính phủ, phù hợp với thực tế của thành phố và các địa phương, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ theo quy định./.
Theo nhandan.vn