Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đủ năng lực ứng phó với hình thái thiên tai bất thường

Nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đủ năng lực ứng phó với hình thái thiên tai bất thường

Ngày 18-10-2024 Lượt xem 334

Chiều 17/10/2024, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả siêu bão số 3 và lũ khẩn cấp trên địa bàn thành phố.

Quang cảnh Hội nghị

 

Dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Quân khu Ba; Quân chủng Hải quân và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị cùng dự. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 15 điểm cầu các quận, huyện.

Chủ động phòng ngừa, khôi phục nhanh hoạt động sản xuất

Sau khi các đại biểu theo dõi clip tổng hợp về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3 và lũ khẩn cấp trên địa bàn thành phố, Hội nghị nghe đồng chí Đỗ Gia Khánh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố trình bày báo cáo về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3 và lũ khẩn cấp. Báo cáo nêu: bão số 3 được xác định có cường độ rất mạnh, sức tàn phá lớn, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, cả hệ thống chính trị thành phố tích cực, chủ động vào cuộc quyết liệt, triển khai ứng phó theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Người dân tự giác phòng, chống, ứng phó, góp phần giảm thiểu thiệt hại. Mặc dù triển khai các giải pháp từ sớm, từ xa nhưng do đây là cơn bão rất mạnh, ảnh hưởng trên phạm vi rộng, hoàn lưu sau bão gây mưa lớn kết hợp lũ từ thượng nguồn trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình nên gây đợt lũ trên hệ thống các sông của thành phố. Theo thống kê, bão số 3 khiến 2 người tử vong; 81 người bị thương và 1 chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giúp Nhân dân khắc phục hậu quả sau bão. Tổng thiệt hại (ước tính) do bão gây ra trên địa bàn thành phố là hơn 13 nghìn tỷ đồng…

Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy và đồng chí Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố trao bằng khen tặng các tập thể có thành tích xuất sắc

 

Ngay sau khi bão tan, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả; huy động mọi nguồn lực; kêu gọi sự chia sẻ, hỗ trợ của các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời huy động lực lượng quân đội, công an cùng hỗ trợ các đơn vị chức năng tổ chức khắc phục sự cố, thiệt hại do bão số 3 gây ra. Đến nay, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai ổn định cuộc sống, hoạt động sản xuất được khôi phục.

Thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương trong công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn. Về nhiệm vụ, giải pháp lâu dài, thành lập, kiện toàn và ban hành quy chế tổ chức, hoạt động của Ban chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự và Luật Phòng, chống thiên tai, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Rà soát kịch bản ứng phó thiên tai; tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị trên thực tế công tác phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão theo phương châm “4 tại chỗ”; xác định các trọng điểm xung yếu để xây dựng phương án bảo đảm an toàn. Thường xuyên tổ chức huấn luyện, tập huấn, diễn tập ứng phó thiên tai để nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó thiên tai. Bố trí kinh phí tu bổ, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê điều, hệ thống công trình thuỷ lợi, nhất là các trọng điểm đê điều xung yếu, các hệ thống công trình cơ sở hạ tầng bảo đảm chống chịu được với các trận bão lớn hơn bão số 3 có thể xảy ra, lũ trên các sông vượt lũ lịch sử… 

Các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; Bùi Đức Quang, Phó Chủ tịch HĐND thành phố trao bằng khen tặng các tập thể

 

Qua thực tiễn diễn biến và công tác chỉ đạo, ứng phó khắc phục thiệt hại của bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra trên địa bàn thành phố, nhiều bài học kinh nghiệm được các đại biểu tham luận tại Hội nghị. Cụ thể, đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự thành phố tham luận về công tác triển khai, hiệp đồng các lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 của lực lượng vũ trang. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng nêu kinh nghiệm trong công tác thông báo, kiểm đếm, kêu gọi tàu, thuyền và các phương tiện hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn. UBND quận Ngô Quyền trình bày về công tác sơ tán nhân dân tại các chung cư cũ xuống cấp. UBND huyện Cát Hải nêu bài học trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng chia sẻ về công tác khôi phục hoạt động hệ thống điện sau bão.

Đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng nêu rõ: Cơn bão số 3 được cơ quan chức năng đánh giá là mạnh nhất trên biển Đông trong vòng 30 năm qua, bão đổ bộ vào đất liền gây những tổn thất nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Thiệt hại do cơn bão số 3 kéo giảm tốc độ tăng trưởng GRDP thành phố 9 tháng năm 2024 xuống 9,77%, thách thức mục tiêu 10 năm liên tiếp duy trì đà tăng trưởng 2 con số của thành phố. Thành phố phải điều chỉnh hơn 1.200 tỷ đồng ngân sách đầu tư phát triển để khắc phục hậu quả sau bão.

Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, trong hoàn cảnh khó khăn, thật xúc động và tự hào về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau, toàn thành phố người người, nhà nhà cùng chung tay dọn dẹp đường phố, khắc phục sự cố công trình điện, hệ thống viễn thông, trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện; quan tâm, thăm hỏi người bị thương, gia đình có người thiệt mạng. Người nghèo, gia đình khó khăn được hỗ trợ kinh phí nhanh chóng khắc phục thiệt hại về nhà ở; người dân ở các chung cư nguy hiểm được hỗ trợ di dời đến nơi ở an toàn. 

Các đồng chí: Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố trao bằng khen tặng các tập thể

 

Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước; các đoàn viên, thanh niên, cựu chiến binh, phụ nữ, các chiến sĩ công an, quân đội xông pha vào nơi nguy hiểm nhất để chống bão, hỗ trợ Nhân dân và tham gia dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau bão. Đó còn là sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, chung sức, đồng lòng tham gia hỗ trợ Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố khắc phục nhanh hậu quả sau bão.

Qua cơn bão YAGI, thành phố rút ra nhiều bài học quý nhằm giảm thiểu thiệt hại. Từ đó, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 08/10/2024 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động trên địa bàn thành phố. Trong đó, chỉ đạo tổng thể các giải pháp nhằm khắc phục toàn bộ các hạn chế được nhìn nhận từ sau bão Yagi. Giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Công an thành phố, các quận, huyện, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố… chỉ đạo triển khai nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các giải pháp nêu tại Chỉ thị số 33-CT/TU.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu lưu ý, gợi mở một số vấn đề, bài học kinh nghiệm cần rút ra qua cơn bão số 3, cụ thể: Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, thời gian tới, hiện tượng La Nina có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới. Đất nước ta nói chung và Hải Phòng nói riêng sẽ chuẩn bị để phòng, chống nhiều cơn bão có cường độ mạnh tương tự thậm chí là mạnh hơn bão số 3. Do đó, đồng chí yêu cần nhanh chóng khắc phục hậu quả, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn thành phố để chủ động ứng phó với thiên tai ở mức độ cao hơn. Đồng thời, rà soát tổng thể cơ chế phối hợp, nhất là cơ chế chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự để xác định những vấn đề còn bất cập và có giải pháp khắc phục ngay, như công tác phối hợp triển khai nhiệm vụ; thông tin liên lạc; công tác dự báo; thông tin tuyên truyền… Đặc biệt, một số ít đơn vị còn chủ quan trong công tác phòng, chống bão cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Hậu quả do bão gây ra và từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, cần nhìn nhận nghiêm túc vấn đề phát triển đô thị phải gắn với giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, nhất là đối với thành phố ven biển như Hải Phòng. Cụ thể là vấn đề về đầu tư hệ thống điện, viễn thông, cấp, thoát nước; vấn đề về giao thông đô thị; vấn đề phát triển cây xanh đô thị... Bên cạnh đó, tăng cường việc tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu đối với người dân, doanh nghiệp, học sinh và coi đây là giải pháp căn cơ, bài bản và bền vững. Tiếp tục phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm hành động vì Nhân dân, vì thành phố để vượt qua mọi khó khăn, thách thức. “Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban Thường vụ Thành ủy khẩn trương họp, nghe báo cáo về diễn biến của bão và chỉ đạo của Trung ương, công tác chuẩn bị phòng, tránh và nhanh chóng chỉ đạo tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở và người dân vào cuộc chuẩn bị. Đây là lần đầu Ban Thường vụ Thành ủy nghe, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống một cơn bão… Ngay khi bão qua đi, thành phố đối mặt quyết định khó đối với việc di chuyển người dân đang sinh sống tại chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D về nơi ở mới. Với tinh thần sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết, Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố thảo luận, quyết định chọn phương án khó thực hiện, vất vả hơn để Nhân dân có cuộc sống an toàn hơn, ổn định hơn và bền vững hơn. Đây chính là kinh nghiệm quan trọng cần tiếp tục giữ gìn, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố thời gian tới” - đồng chí Lê Tiến Châu nhấn mạnh. 

Các đồng chí: Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố trao bằng khen tặng các tập thể

 

Để kịp thời động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, 111 tập thể và 82 cá nhân được Chủ tịch UBND thành phố tặng bằng khen.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định: Mặc dù là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa của Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang và người dân thành phố chủ động, kịp thời trong phòng ngừa, ứng phó, nhờ đó hạn chế được thiệt hại do bão gây ra. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác khắc phục bão số 3 và nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Tùng đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị và các địa phương khẩn trương hoàn thiện văn bản, quy định để trở thành “cẩm nang” hướng dẫn, thậm chí cưỡng chế việc di chuyển người dân đang sinh sống trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn khi có bão đổ bộ vào thành phố; tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng công trình đê điều, cống trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục triển khai việc hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do bão gây ra, nhất là thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng lưu ý, việc thống kê, rà soát, triển khai hỗ trợ bảo đảm chính xác, đầy đủ, nghiêm túc. Địa phương, đơn vị để xảy ra tiêu cực trong việc hỗ trợ, thành phố kiên quyết xử lý nghiêm. Đồng chí yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khẩn trương lập báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư các công trình, dự án phòng, chống thiên tai trình HĐND thành phố phê duyệt để đầu tư trong giai đoạn 2025-2030; cũng như tiếp tục tranh thủ nguồn vốn Trung ương để hoàn thiện, nâng cao chất lượng công trình đê điều thành phố. Về chủ trương di dời người dân đang sinh sống tại chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D, Sở Xây dựng nhanh chóng xây dựng đề án, trình HĐND thành phố xem xét, phê duyệt việc hỗ trợ kinh phí người dân khi di chuyển, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân…/.

Theo baohaiphong.vn

Kết nối

Hệ thống văn bản

THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Thực hiện dân chủ ở cơ sở Hệ thống văn bản