Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Sản xuất công nghiệp tăng tốc hoàn thành nhiệm vụ

Sản xuất công nghiệp tăng tốc hoàn thành nhiệm vụ

Ngày 23-10-2024 Lượt xem 218

9 tháng năm 2024, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) của Hải Phòng ước tăng 14,09% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng không thấp, nhưng vẫn chưa đạt so với mục tiêu, kế hoạch đề ra (15%). Từ nay đến cuối năm, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động, các doanh nghiệp trong nước lại chịu ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 3, nhiệm vụ tăng tốc và giữ được đà tăng trưởng IIP được đánh giá là nhiệm vụ hết sức khó khăn, cần các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương vào cuộc, tháo gỡ các vướng mắc và đề ra giải pháp phù hợp, kịp thời.

 Người lao động làm việc tại dây chuyền Công ty TNHH Toyoda Gosei Hải Phòng (Khu công nghiệp Nhật Bản-Hải Phòng).

 

 

Sản xuất công nghiệp chậm nhịp

Trên thực tế, ngay sau cơn bão số 3, Chính phủ, thành phố và các sở, ngành có nhiều giải pháp kịp thời, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục hoạt động, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên với những nơi bị thiệt hại nặng nề như các khu công nghiệp, khu kinh tế (khoảng 250/589 doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão với tổng số tiền dự tính khoảng gần 1.600 tỷ đồng) vẫn cần có thời gian để hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường.

Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C Bruno Jaspert cho biết: Sau bão số 3, hơn 90% số doanh nghiệp trong Khu công nghiệp bị thiệt hại và ít nhất 50% chịu tổn thất nặng nề. Các công ty vừa phải khắc phục hậu quả vừa phải chuẩn bị để bảo vệ hàng hóa, cơ sở vật chất trước mùa mửa bão sắp tới. Về phía chủ đầu tư, chúng tôi vẫn đang cố gắng hỗ trợ các đơn vị bị thiệt hại nặng để doanh nghiệp vận hành nhà máy bình thường và ổn định sản xuất trở lại trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, với nhiều đơn vị, thời gian khắc phục hậu quả có lẽ phải mất ít nhất 1 - 2 tháng.

Phó giám đốc Sở Công Thương Lê Minh Sơn thông tin, trong tháng 9 năm 2024, do ảnh hưởng từ cơn bão số 3 nên hoạt động sản xuất công nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp nói riêng, toàn thành phố nói chung đều bị ngừng trệ một thời gian, làm nhỡ tiến độ xuất hàng. Chỉ số ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng thấp, kéo theo chỉ số IIP tháng 9 ước tăng trưởng thấp 3,48% so với cùng kỳ (đây là tháng tăng trưởng thấp nhất từ đầu năm đến nay). Những ngành có tốc độ giảm IIP trong tháng 9 năm 2024 so với cùng kỳ và tác động tới tốc độ tăng IIP của toàn ngành công nghiệp gồm: Sản xuất các cấu kiện kim loại (-19,65%); sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh (- 45,29%); sản xuất săm, lốp cao su, đắp và tái chế lốp cao su (-49,88%); sản xuất máy chuyên dụng khác (- 25,35%); …

Nhìn rộng hơn, quy mô công nghiệp của thành phố những năm gần đây dù tăng trưởng cao, nhưng chủ yếu vẫn là đóng góp của các doanh nghiệp FDI với trọng điểm là ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Vì thế, khi các doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3, chỉ số IIP ngay lập tức suy giảm. Trong khi đó, các ngành công nghiệp truyền thống có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước như sản xuất giày dép, chế biến thực phẩm, đóng tàu, sản xuất thép lại có tỷ trọng đóng góp vào chỉ số IIP rất khiêm tốn. Cùng với đó, tốc độ thành lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

 

Tận dụng các yếu tố tăng trưởng

Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng không thể phủ nhận, Hải Phòng vẫn đang có rất nhiều lợi thế, nhiều dư địa phát triển sản xuất công nghiệp. Theo đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 nhưng nhìn chung, hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế 9 tháng qua còn rất nhiều tiềm năng. Cụ thể, các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút được 53 dự án trong 9 tháng với tổng vốn đầu tư đạt 1,24 tỷ USD, trong đó thu hút vốn FDI đạt 1,19 tỷ USD, bằng 60% kế hoạch năm. Lũy kế đến tháng 9 năm 2024, các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút 573 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư ước đạt 27,4 tỷ USD. Mặt khác, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đều đang có nhu cầu rất lớn về thu hút đầu tư và mở rộng sản xuất. Bởi thế, xu hướng tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm là rất khả thi và cần nắm bắt, tạo mọi điều kiện đáp ứng yêu cầu của sản xuất công nghiệp. Thành phố cũng đang gấp rút thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng bảo đảm cân đối, hài hòa giữa lợi ích kinh tế và yêu cầu xanh, bền vững. Đây sẽ là kim chỉ nam, đưa thành phố tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng kinh tế nói chung, tăng trưởng IIP nói riêng trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thành thông tin thêm, từ nay đến hết năm 2024, ngành Công Thương tập trung nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc để sớm đưa các công trình, dự án lớn đi vào hoạt động nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới; triển khai đánh giá thực trạng và đề xuất các nhiệm vụ khôi phục, phát triển ngành đóng tàu thành phố. Sở Công Thương cũng sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố thành lập các cụm công nghiệp: Phụ trợ Tràng Duệ, Lê Thiện - Đại Bản. Báo cáo UBND thành phố về đề xuất khảo sát nghiên cứu xây dựng hạ tầng các Cụm công nghiệp Nam Am và hướng dẫn các chủ đầu tư lập báo cáo thành lập các cụm công nghiệp đã được UBND thành phố cho phép nghiên cứu khảo sát. Ngoài ra tiếp tục khảo sát các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ theo Kế hoạch được phê duyệt; chỉ đạo thực hiện các đề án Khuyến công địa phương năm 2024; phối hợp với UBND các quận về việc rà soát, thống kê, xây dựng kế hoạch và tổ chức di dời các nhà máy xí nghiệp, kho tàng trên địa bàn quận./.

Theo baohaiphong.vn

Kết nối

Hệ thống văn bản

THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Thực hiện dân chủ ở cơ sở Hệ thống văn bản