Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Đầu tư nguồn lực nâng cấp hệ thống đê điều

Đầu tư nguồn lực nâng cấp hệ thống đê điều

Ngày 28-10-2024 Lượt xem 53

Những năm qua, Trung ương, thành phố quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống đê điều, thủy lợi, từng bước đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, so với yêu cầu và trước những thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường, hệ thống đê điều của thành phố cần tiếp tục được quan tâm nguồn lực đầu tư để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống thiên tai trong tình hình mới.

Nhà thầu thi công công trình phòng, chống thiên tai (dự án đê biển 1) tại quận Dương Kinh

 

Còn nhiều lo lắng

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong cơn bão số 3 và đợt mưa lũ hồi đầu tháng 9 vừa qua, hệ thống đê điều của thành phố cơ bản được bảo đảm an toàn, tuy nhiên, có thời điểm nước lũ dâng cao liên tục vượt mức báo động 3 khiến nhiều địa phương thực sự bất an, nhất là đối với những khu vực đê, kè, cống xung yếu trên các triền sông Luộc, sông Cấm, sông Thái Bình, Văn Úc, Đá Bạc… Có thời điểm đỉnh lũ mấp mé mặt đê, khiến hệ thống đê điều bị thẩm lậu nước, xuất hiện nhiều mạch sủi kèm theo rò rỉ mang cống, nguy cơ cao dẫn đến vỡ cống, vỡ đê. Trong đó, khu vực mực nước lũ thực tế so với mực nước thiết kế chống lũ chênh lệch nhau không nhiều, chỉ vài chục cm. Đơn cử, tại Trạm thủy văn Trung Trang, sông Văn Úc, có thời điểm nước lũ lên cao tới 3,9 m, trong khi đó, mực nước thiết kế chống lũ chỉ đạt khoảng 4,2 m.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Bảo Vũ Xuân Quang thông tin, trên địa bàn huyện còn nhiều vị trí đê, kè, cống xung yếu, trong đó tập trung nhiều tại tuyến đê chống lũ từ cống Vĩnh Lạc, xã Tiền Phong đến cống Râu, xã Giang Biên. Trên tuyến đê sông Hóa còn nhiều ẩn họa trong thân đê, trong đó có 3 vị trí thẩm lậu chưa được xử lý, bao gồm các đoạn: K÷K7; K32+480÷K37+326. Trên tuyến đê hữu Thái Bình còn nhiều đoạn xuất hiện rò rỉ, thẩm lậu tại các vị trí K9.000÷ K11+000; K12+675÷K16+000 và đoạn K17+000÷K18+000. Hiện, trên tuyến mới có đoạn K0+000÷K10+900 được xử lý bằng rada xuyên đất, các đoạn còn lại chưa được khảo sát xử lý tổ mối. Cùng với đó, trên địa bàn huyện còn 7 cống xung yếu gồm: Lý Nhân K19+240, Phần Thượng K18,245, Hà Dương K23.784, Liễu Điện, Đông Am 1, Đông Am 2, cống Thượng Cổ An, Đồng Ngừ. Các cống này được xây dựng từ năm 1957, hiện xói lở mang cống, sạt lở mái kè, gãy xói tiêu năng... không bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai.

Theo Chi cục Phó Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai thành phố Đoàn Văn Ban, trên địa bàn thành phố còn gần 1/4 tổng số km đê sông, đê biển chưa được đầu tư, nâng cấp theo tiêu chuẩn thiết kế có khả năng bảo đảm an toàn, chống chịu được bão lũ cấp 11, cấp 12, lũ triều cường cấp 4. Đơn cử như tại tuyến đê tả sông Cấm khả năng chống lũ, bão ở mức trung bình, hiện còn nhiều đoạn cao trình thấp hơn cao trình thiết kế, một số đoạn cao trình thấp hơn mực nước thiết kế; nhiều đoạn kè, cống xung yếu. Trong đó, đáng chú ý là đoạn đê từ K23,757-K24,350 cao trình thấp; kè Hợp Thành tại K9,240-K9,665 và kè Bến Kiền tại K14,162-K14,247 xói lở, xô sạt chân kè, đỉnh kè, mái kè không bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai. Thêm vào đó, toàn thành phố còn hơn 20 cống xung yếu chưa được đầu tư nâng cấp, cải tạo, khả năng vận hành hạn chế, thường xuyên xảy ra tình trạng nước ngoài sông rò rỉ vào trong đồng, sân cống, khẩu độ cống ngắn, mặt cống thấp so với mặt đê nên nước có thể tràn qua bất cứ lúc nào khi triều cường dâng cao.

 

Khẩn trương lập báo cáo đề xuất đầu tư

Nhằm sớm triển khai các dự án về đê điều, thủy lợi, UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát, lập báo cáo đầu tư các công trình đê điều, sớm trình HĐND thành phố thông qua để đầu tư trong giai đoạn 2025 - 2030.

Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai thành phố Phạm Đức Duyễn cho biết, trước mắt, UBND thành phố đồng ý chủ trương lập báo cáo đề xuất đầu tư các dự án tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, cống dưới đê, xây dựng các cống dưới đê xung yếu, kém ổn định, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, lập báo cáo chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nâng cấp tuyến đê biển 3 (huyện Tiên Lãng), với kinh phí dự kiến 270 tỷ đồng và tuyến đê hữu Kinh Thầy, Đá Bạc (huyện Thủy Nguyên) với kinh phí dự kiến 370 tỷ đồng; đầu tư xây dựng các cống dưới đê xung yếu, kém ổn định, kém an toàn, không bảo đảm chiều dài cống bề rộng mặt đê (khoảng 20 công trình cống) với kinh phí dự kiến 340 tỷ đồng. Tổng nguồn lực thực hiện các dự án 980 tỷ đồng. Để các dự án nhanh chóng được đầu tư, Sở tích cực rà soát, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, trình tại kỳ họp thường kỳ HĐND thành phố giữa năm 2025; trường hợp nhiều cống xung yếu cần thực hiện ngay (bao gồm cả các cống do Trung ương quản lý dự kiến đầu tư), trình tại kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2024.

Đối với các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đề xuất phương án đầu tư đối với từng hệ thống thủy lợi, trước mắt tập trung hệ thống thủy lợi Đa Độ, sông Giá, kênh trung thủy nông Tiên Lãng để bảo vệ, cải thiện chất lượng nguồn nước tại các hệ thống. Bên cạnh đó, thành phố tranh thủ nguồn lực đầu tư của Trung ương như Dự án Quản lý tổng hợp rủi ro lũ lụt thích ứng biến đổi khí hậu thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vay nguồn vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng phòng, chống lũ trên địa bàn thành phố./.

Theo baohaiphong.vn

Kết nối

Hệ thống văn bản

THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Thực hiện dân chủ ở cơ sở Hệ thống văn bản