Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Chùa Phổ Chiếu

Chùa Phổ Chiếu

Ngày 15-03-2024 Lượt xem 531

Phổ Chiếu là tên chữ đồng thời cũng là tên thường dùng của chùa, người dân còn gọi tắt là Chùa Chiếu. Hiện nay chùa ở địa chỉ số 218 phố Miếu Hai Xã, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hăi Phòng, diện tích 6.183,7m² đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phổ Chiếu là một ngôi chùa đẹp, một địa chỉ văn hoá tâm linh tiêu biểu.

Chùa được hình thành năm 1953 với mục đích là xây dựng Tam Giáo Đường. Bia chùa khắc “… Năm Quý Tỵ 1953, vị Đại sư Ngộ Chân Tử, người làng Cao Mại, Kiến Xương, Thái Bình xây dựng Tam Giáo Đường thờ cả Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo truyền bá kinh Thiên Đàn nhưng chủ yếu tu pháp môn niệm Phật...” Năm 1954, Đại sư Ngộ Chân Tử vào Nam, Hoà thượng Thích Thanh Quang pháp phái Lâm Tế Lãng Lăng Sơn môn Tổ đình Linh Quang Trà, Lũ huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định ra tiếp nhiệm. Tam Giáo Đường được Hòa thượng Thích Trí Hải đổi tên thành chùa Phổ Chiếu.

Trải bao thăng trầm lịch sử, chùa đã thay đổi so với nguyên trạng ban đầu, chùa được Hoà thượng Thích Thanh Quang trùng tu vào năm 1985. Đặc biệt là khi Hoà thượng Thích Thanh Giác trụ trì đã mở mang xây dựng nhiều hạng mục, công trình. Năm 2016, Hòa thượng đã đại trùng tu ngôi Bảo điện khang trang như bây giờ. Quy mô của chùa hài hoà, cảnh quan đẹp. Chùa có hệ thống công trình với lối kiến trúc truyền thống “Nội công, ngoại quốc”, bao gồm Phật điện, Tổ đường, Nhà vong, Giảng đường, Tăng xá, Thư viện, Nhà bia, Vườn tháp. Chùa cũng là một Phật viện, Trường hạ nhiều năm đón hàng trăm Tăng Ni, Phật tử về học tập, nghe pháp tu học.

Chùa có những kiến trúc tiêu biểu, độc đáo tạo nên dáng vẻ riêng của một ngôi chùa tĩnh lặng giữa một quận đông đúc của thành phố Hải Phòng. Cổng chùa là hệ thống Ngũ quan (năm cửa), mái chồng diêm, hai tầng đao cong. Bên trái cổng là tòa tháp 9 tầng cao vút, tiết diện tứ giác. Mỗi tầng đều có 12 tượng Tam thánh Tây phương, trong tầng thứ 9 có tượng Phật A Di Đà cao 2,20 mét, nặng 1,15 tấn và Đại hồng chung tầng thứ nhất. Đỉnh tháp có treo Đại hồng chung. Lầu Quan Thế Âm là một kiến trúc “Liên hoa nhất trụ” thờ Bồ tát Quán Thế Âm, như một đóa sen vươn lên giữa hồ nước. Tòa Phật điện mặt bằng hình chữ Công, hồi văn, nhìn về hướng Tây với ý nghĩa hướng về cõi Phật. Phật điện gồm năm gian Tiền điện, hai gian Ống muống và ba gian Thượng điện.

Hệ thống tượng pháp của chùa uy nghi, được sắp xếp theo truyền thống gồm nhiều pho tượng như pho tượng Tam Thế Phật, Di  Đà Tam Tôn, Quan Âm Niêm Hoa, Toà Cửu Long, Tượng Thích Ca sơ sinh và các pho tượng khác như Quan Âm Nam Hải, Quan Âm tọa sơn. Ngoài ra, còn có chuông đồng, khánh đá, Nhà bia, đồ thờ tự, hoành phi, câu đối tuy mới được tạo dựng nhưng có giá trị thẩm mỹ cao, nội dung thể hiện ý nghĩa cao thâm của nhà Phật.

Tại chùa, ngoài các lễ Sóc, Vọng hằng tháng, khóa tu tập các ngày trai giăng pháp, còn tổ chức một số lễ trong năm như Thượng Nguyên, Phật Đản, Vu Lan và hai ngày lễ trọng vào mùng 5 tháng Giêng và 16 tháng 10 âm lịch là giỗ Sư tổ khai sáng chùa, ngày 5 tháng giêng giỗ Hòa thượng Thích Thanh Quang. Chùa có hằng trăm tín đồ Phật tử thường xuyên tu học tại Đạo tràng Bát Quan Trai hàng tháng.

Chùa có các thế hệ trụ trì: Hoà thượng Ngộ Chân Tử, sinh năm 1901, viên tịch năm 1988, thế danh Trần Văn Rinh, là người khai sáng và trụ trì các năm 1953, 1954. Hoà thượng Thích Thanh Quang, thế danh Trần Đình Thấu trụ trì từ năm 1954 đến khi viên tịch năm 1989. Hoà thượng Thích Thanh Giác, thế danh Nguyễn Phúc Cầm, sinh năm 1955, quê quán xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương trụ trì từ 1989 đến nay.

Chùa Phổ Chiếu là cơ sở cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Lầu bia ghi công được xây dựng trên nóc căn hầm là Di tích Lịch sử của thành phố. Căn hầm trong chùa là nơi làm việc của Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân, Sở chỉ huy Công an thành phố trong thời kì chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ (1965-1972). Chính những đóng góp đó, chùa Phổ Chiếu được xếp hạng Di tích Lịch sử Kháng chiến cấp thành phố (Theo Quyết định số 2423/QĐ-UB ngày 24/10/2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng).

Thời gian khai lập chưa lâu nhưng chùa Phổ Chiếu đã mang dáng vẻ một chốn già lam cổ tự thanh u, thâm tịch, cổ kính với kiến trúc mang đậm phong cách truyền thống độc đáo, đặc sắc là trường học tu tập của Tăng Ni, Phật tử; là địa điểm sinh hoạt của “Câu lạc bộ Hải Phòng học”. Đặc biệt, ngôi chùa là di tích lịch sử kháng chiến có giá trị. Vì vậy, ngoài ý nghĩa là nơi thờ Phật, nơi sinh hoạt tôn giáo của nhân dân, chùa Phổ Chiếu còn là một “địa chỉ đỏ” hấp dẫn du khách trong và ngoài nước mỗi lần đến thăm thành phố Hải Phòng./.

Nguồn: Chùa Hải Phòng - Xưa và nay

Hệ thống văn bản

zalo

ZALO

zalo Kênh Zalo Hệ thống văn bản