Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) tại Hải Phòng: Phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế

Nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) tại Hải Phòng: Phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế

Ngày 29-05-2024 Lượt xem 244

Các doanh nghiệp tham gia giới thiệu, kết nối hợp tác tại Techfest kết nối vùng Duyên hải Bắc bộ năm 2024 tại Hải Phòng.

Trong năm 2023- năm đầu Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) công bố Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII), Hải Phòng xếp thứ 3 cả nước, sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để giữ vững và nâng cao thứ hạng, thành phố cần tập trung khắc phục hạn chế, xây dựng và thực thi các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo.

Nhận diện thế mạnh, điểm yếu       

Theo kết quả PII năm 2023, Hải Phòng đạt 52,32 điểm, với 5/7 trụ cột của đổi mới sáng tạo, lọt nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Trong đó, trụ cột thể chế đạt 76,19 điểm, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; các trụ cột: Vốn con người và nghiên cứu và phát triển xếp thứ 4; trình độ phát triển của thị trường xếp thứ 5; trình độ phát triển của doanh nghiệp và tính tác động cùng xếp thứ 7. Trong 52 chỉ số thành phần, thành phố có 5 chỉ số được đánh giá cao gồm: Tỷ lệ học sinh trung học tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học và kỹ thuật; chính sách thúc đẩy KHCN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế, xã hội (cùng đạt 100 điểm, cao nhất cả nước); cải cách hành chính (đạt 99,93 điểm, xếp thứ 2); tài chính vi mô/GRDP (đạt 99,64 điểm); tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo (đạt 63,9 điểm).

Tuy xếp thứ 3 cả nước, thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, nhưng một số trụ cột và chỉ số thành phần của Hải Phòng còn đạt thấp. Cụ thể, các trụ cột: Cơ sở hạ tầng xếp thứ 22; sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ xếp thứ 12. Các chỉ số như: Đơn đăng ký nhãn hiệu/1.000 doanh nghiệp xếp thứ 44; chi số KHCN/GRDP đạt 10,15 điểm, thuộc nhóm 10 địa phương thấp nhất cả nước. Ngoài ra, các chỉ số: Tỷ lệ lao động có việc làm trong nền kinh tế trên tổng dân số; số doanh nghiệp ngành dịch vụ chuyên môn KHCN; chi phí gia nhập thị trường; hạ tầng số, quản trị điện tử, quản trị môi trường; tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong tổng số doanh nghiệp mới thành lập còn ở mức khiêm tốn.

ThS. Nguyễn Võ Hưng, Trưởng Ban Chính sách về đổi mới sáng tạo, Học viện KHCN và Đổi mới sáng tạo nhận xét, từ kết quả trên cho thấy, Hải Phòng sở hữu thế mạnh về thể chế, vốn con người, sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng còn một số hạn chế như: Số bằng sáng chế ít, trích dẫn quốc tế thấp; các doanh nghiệp chưa nắm vững và sáng tạo công nghệ cốt lõi; chưa có cụm công nghệ cao và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp xứng tầm, mức chi cho KHCN còn thấp… Như vậy, Hải Phòng cần tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh nhằm nâng chi phí gia nhập thị trường; khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp đầu tư đào tạo lao động, nâng cao năng lực, kỹ năng, trình độ lao động cũng như thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D); hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo…

Các doanh nghiệp tham gia giới thiệu, kết nối hợp tác tại Techfest kết nối vùng Duyên hải Bắc bộ năm 2024 tại Hải Phòng.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Năm 2024-2025, thành phố đặt mục tiêu giữ vững vị trí xếp hạng PII trong nhóm dẫn đầu cả nước, phấn đấu tăng điểm đạt từ 54,5 điểm trở lên. Trong đó, tập trung cải thiện mạnh 2 trụ cột: Cơ sở hạ tầng đạt từ 60 điểm trở lên, xếp hạng 20 trở lên; sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ đạt từ 37 điểm trở lên, xếp hạng 10 trở lên; đồng thời, khắc phục các chỉ số điểm yếu.

Để đạt mục tiêu này, theo Phó giám đốc Sở KHCN Nguyễn Đình Vinh, Sở KHCN xây dựng dự thảo Kế hoạch Nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024-2025 của thành phố Hải Phòng trình UBND thành phố, tập trung vào 8 giải pháp trọng tâm, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc nâng cao chỉ số PII. Trên cơ sở phân tích sâu kết quả đánh giá từng chỉ số, các sở, ban, ngành triển khai thực hiện kế hoạch cải thiện chỉ số thuộc phạm vi quản lý của ngành, đơn vị mình, đóng góp vào việc nâng cao, cải thiện chỉ số PII của thành phố. Cùng với đó, khuyến khích, thúc đẩy thực hiện các sáng kiến phát triển kinh tế, xã hội dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, tăng cường đầu tư ngân sách cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát triển các hoạt động nghiên cứu phát triển, phát triển tài sản trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

TS Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố đề xuất, thành phố cần quan tâm nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách tổng thể thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, bố trí nguồn lực tương xứng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của KHCN đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội thành phố và đất nước. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt giá trị, ý nghĩa của chỉ số PII trong đánh giá kết quả, sự phát triển của thành phố dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo./.

Theo Baohaiphong.com.vn

Kết nối

Hệ thống văn bản

THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Thực hiện dân chủ ở cơ sở Hệ thống văn bản