Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Phát huy giá trị của Phật giáo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố

Phát huy giá trị của Phật giáo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố

Ngày 28-08-2024 Lượt xem 696

Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng được thành lập năm 1982, từ khi thành lập đến nay trải qua 09 kỳ Đại hội. Theo số liệu thống kê, thành phố hiện có 602 chùa, hơn 350.450 phật tử; có 461 chức sắc (trong đó có 02 Hòa thượng, 11 Thượng toạ, 05 ni trưởng, 36 ni sư). Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố có 37 thành viên (trong đó, có 16 vị trong Ban Thường trực).

Trải qua các thời kỳ lịch sử, Phật giáo Hải Phòng có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng của thành phố. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với phương châm “Phật pháp bất ly thế gian, nước còn thì đạo còn, nước mất thì đạo mất, phải cứu nước mới giữ được đạo…”, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều vị “cao tăng” đã tham gia cách mạng, trở thành “chiến sĩ áo cà sa ra trận”; nhiều ngôi chùa là nơi che chở, dự trữ quân lương, cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng như chùa Phổ Chiếu, chùa Dư Hàng (quận Lê Chân), chùa Cảnh Ninh (huyện An Dương), chùa An Lạc (quận Hồng Bàng)... Sự kiện 5 nhà sư liệt sĩ tại chùa Thắng Phúc (huyện Tiên Lãng), 15 sư tăng thuộc tổ chức “Bộ đội tăng già” Thủy Nguyên nhập ngũ, xứng đáng là hình tượng yêu nước tiêu biểu của Phật giáo Hải Phòng.

Chùa Phổ Chiếu

Qua hơn 40 năm thành lập và phát triển, với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, “phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố không chỉ kế thừa truyền thống tốt đẹp của Phật giáo mà còn phát huy và lan tỏa những giá trị tích cực. Là cầu nối của tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài, chung tay xây dựng thành phố; thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của Phật giáo đối với đất nước và thành phố, nhất là các đóng góp đối với công cuộc xây dựng thành phố, hoạt động bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo và các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. 

Với công cuộc xây dựng thành phố

Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố thể hiện rõ tinh thần nhập thế, vận động tăng, ni, phật tử thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Giáo hội giới thiệu các chức sắc tiêu biểu ứng cử, tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân. Đến nay, có 28 tăng, ni trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (trong đó, có 01 Hòa thượng tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, 09 tăng, ni trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện; 18 tăng, ni tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, phường); có 06 tăng, ni là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hải Phòng khóa XIII. Ngoài ra, nhiều tăng, ni tham gia các Hội Từ thiện thành phố, Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ người tàn tật, Ủy ban hòa bình, Hội Khoa học lịch sử, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp quận, huyện, xã, phường. Nhiều năm nay, Giáo hội Phật giáo thành phố cử nhà sư trụ trì tại chùa Bạch Long trên huyện đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ… Việc xây dựng các ngôi chùa Phật giáo trên khu vực biển đảo không chỉ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho chiến sĩ và Nhân dân mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền đất nước, thể hiện sự hòa hợp, đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo.   

Về các phong trào thi đua yêu nước

Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố đưa nội dung tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các trường hạ an cư, khóa tu của phật tử, các buổi học chính khóa và chương trình sinh hoạt ngoại khóa của tăng, ni sinh tại trường Trung - Cao đẳng Phật học; đồng thời, khuyến khích phật tử tích cực thực hiện nếp sống xanh - bảo vệ môi trường - lan tỏa yêu thương, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không phóng sinh các loại thủy sản ngoại lai có nguy cơ ảnh hưởng môi sinh ra môi trường, góp phần tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm, không đốt vàng mã tràn lan trong mỗi dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội gắn liền với di tích, cơ sở thờ tự. Bên cạnh việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố tích cực vận động tăng, ni, phật tử đóng góp hàng nghìn ngày công, tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm đường nông thôn mới, chỉnh trang đô thị văn minh, hiện đại, góp phần làm thay đổi diện mạo của thành phố.

Về các hoạt động từ thiện xã hội

Hoạt động từ thiện xã hội là thế mạnh của Phật giáo Hải Phòng, với số người tham gia đông và lượng vật chất ủng hộ lớn. Từ năm 2020 đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố quyên góp ủng hộ số tiền khoảng hơn 23 tỷ đồng. Cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp thành phố, cấp huyện, các chùa trên địa bàn đã chung tay thực hiện nhiều cuộc vận động nghĩa tình, tổ chức và tham gia nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ (lương thực thực phẩm, quần áo, thuốc men, kinh phí...) cho người nghèo, người bị thiên tai bão, lũ; thực hiện chính sách đền ơn đáp nhĩa (xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ gia đình chính sách...). Đặc biệt, khi bùng phát dịch Covid-19, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố vừa ban hành các văn thư, vừa trực tiếp gặp gỡ động viên tăng, ni, phật tử tích cực thực hiện quyên góp, ủng hộ kinh phí, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm để cùng chung tay với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hải Phòng vượt qua đại dịch. Các hoạt động ủng hộ Quỹ vắcxin; hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế các bệnh viện, bệnh viện dã chiến, khu cách ly; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, kinh phí cho người dân gặp khó khăn được sự chỉ đạo liên tục, chặt chẽ của Thường trực Ban Trị sự Giáo hội cấp thành phố, cấp huyện và sự tham gia đầy trách nhiệm của hầu hết các chùa với số lượng, giá trị, quy mô chưa từng có, với tổng giá trị hàng hóa lên đến 10 tỷ đồng.

Ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN thành phố tặng quà từ thiện nhân dịp Lễ Vu lan

Những đóng góp của Giáo hội Phật giáo thành phố trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo thể hiện rõ nỗ lực trách nhiệm xã hội của chức sắc, chức việc, tín đồ Phật giáo thành phố trong hưởng ứng, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát huy nguồn lực của tôn giáo cho công cuộc phát triển đất nước và thành phố, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, được chính quyền các cấp ghi nhận và biểu dương. Trong đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao Bằng khen cho tập thể Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng khóa VIII, Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc cho Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải; Thượng tọa Thích Tục Khang được vinh danh trong chương trình Điểm tựa bản làng do Tạp chí Cộng sản, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phối hợp tổ chức./.

Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ

Kết nối

Hệ thống văn bản

THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Thực hiện dân chủ ở cơ sở Hệ thống văn bản