Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Tập trung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tập trung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Ngày 14-10-2024 Lượt xem 153

9 tháng năm 2024, tăng trưởng kinh tế của thành phố tiếp tục đạt kết quả ấn tượng khi đứng đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương, thứ 8 cả nước và thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, trước những thiệt hại do bão số 3 gây ra, để giữ mức tăng trưởng đòi hỏi các cấp sở, ngành, địa phương thành phố có sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn.

Tuyến đường giao thông nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã Lê Lợi (huyện An Dương) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Ảnh: Hoàng Phước

 

Còn nhiều thách thức

9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng 9,77% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,09%; khu vực dịch vụ tăng 7,94%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 4,8%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,88%. Với mức tăng trưởng này, Hải Phòng đứng đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương, thứ 8 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng. Kết quả này cho thấy quyết tâm, nỗ lực cao của thành phố nhằm giữ vững tăng trưởng dù chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3. Có thể thấy, ngay sau bão số 3, cùng với các giải pháp khắc phục hậu quả, thành phố tập trung cao các nhiệm vụ khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng 9 tháng thấp hơn so với kế hoạch đề ra 11,5-12%. Đáng chú ý, tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại khi đây là mức tăng 9 tháng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Từ phân tích của sở, ngành, địa phương tại phiên họp thường kỳ 9 tháng UBND thành phố cho thấy, bão số 3 ảnh hưởng nặng nề đến các ngành sản xuất và đây là nguyên nhân tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố. Phó giám đốc Sở Công Thương Lê Minh Sơn thông tin, do ảnh hưởng của bão số 3, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn đều bị ngừng trệ một thời gian, làm nhỡ tiến độ xuất hàng, chỉ số ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng thấp (trong tháng 9 tăng 3,4%), kéo theo chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp IIP tháng 9 tăng 3,48% so với cùng kỳ. Đây là tháng tăng trưởng thấp nhất từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, theo phản ánh của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Gia Khánh, sẽ khó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch năm nay.

Bên cạnh những tác động từ các lĩnh vực sản xuất, yếu tố quan trọng nữa đang tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế thành phố là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công - nguồn vốn mồi đang rất chậm. Đến 30/9/2024, tổng vốn đầu tư công thành phố giao giải ngân được 8.887,632 tỷ đồng, bằng 44% kế hoạch HĐND thành phố giao. Trong đó, vốn ngân sách thành phố giải ngân 8.740,068 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch thành phố giao. Chỉ tính riêng trong tháng 9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chỉ đạt 10%, trong đó có nhiều địa phương tỷ lệ giải ngân chỉ đạt trên dưới 1%. Đây cũng đang là thách thức lớn đối với tăng trưởng thành phố trong 3 tháng cuối năm.

Quyết tâm đạt mục tiêu

Từ những khó khăn do bão số 3 gây ra, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay là thách thức lớn đối với thành phố. Tuy vậy, thành phố quyết tâm cao để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm nay, nhất là giữ tăng trưởng ở mức hai con số. Theo đó, để bảo đảm tăng trưởng các tháng cuối năm, thành phố xác định tiếp tục tập trung cao thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng và Khu thương mại tự do trong năm 2024 gắn với các dự án động lực; đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án sản xuất công nghiệp, nâng cao chỉ tiêu về chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024; đẩy nhanh công tác xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư KCN Nam Đình Vũ khu 1 và 2, KCN An Dương, KCN và khu phi thuế quan Xuân Cầu; bám sát tiến độ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 5 dự án KCN…; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng; tiếp tục hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư các công trình mới trong năm 2024 và các năm tiếp theo…

Theo Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên, ngay sau bão, các sở, ngành, đơn vị nỗ lực khắc phục nhanh sự cố, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tại các khu công nghiệp sớm phục hồi sản xuất. Đến nay, khoảng 95 - 97% số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế đi vào sản xuất ổn định, xuất khẩu bình thường; chỉ có 3 doanh nghiệp đang dừng sản xuất do thiết bị bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng trong các tháng cuối năm, đề nghị thành phố sớm có giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 9, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, GRDP 9 tháng tăng trưởng thấp hơn 2 con số, nếu không nỗ lực sẽ không đạt được mục tiêu đề ra. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, đầu tư công là một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, các sở, ngành, địa phương, nhất là các đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức bình quân chung của thành phố cần chủ động, tập trung, quan tâm cao chỉ đạo nhiệm vụ này. Cũng để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, quyết toán giải phóng mặt bằng; theo đúng kế hoạch đề ra, chủ động báo cáo, đề xuất lãnh đạo thành phố, sở, ngành liên quan để tháo gỡ kịp thời vướng mắc. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục bão số 3 để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ nông dân vay vốn tái đầu tư sau bão./.

Theo baohaiphong.vn

Kết nối

Hệ thống văn bản

THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Thực hiện dân chủ ở cơ sở Hệ thống văn bản