Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Thành phố Hải Phòng thực hiện dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp: Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ (KỲ 2)

Thành phố Hải Phòng thực hiện dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp: Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ (KỲ 2)

Ngày 20-02-2024 Lượt xem 192

Công nhân Công ty TNHH Buchencon trên dây chuyền sản xuất. Ảnh: DUY LÊ

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp là yếu tố quan trọng, giúp sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đạt kết quả tốt, bảo đảm quyền lợi người lao động, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững thành phố Hải Phòng. Thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp ngày càng thực chất và rộng rãi, trở thành yếu tố giúp cho môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Phòng trở nên hấp dẫn hơn, là điểm đến mong muốn của nhà đầu tư và lao động trong nước và nước ngoài.

Những kết quả đáng ghi nhận

Một là, về ban hành các quy chế, quy định thực hiện dân chủ tại nơi làm việc và công khai thông tin trong doanh nghiệp

Trên cơ sở quy định của pháp luật về dân chủ, nhiều doanh nghiệp đã cụ thể hóa thành các quy chế, quy định thực hiện dân chủ tại nơi làm việc, chủ yếu là quy chế thực hiện dân chủ, quy chế đối thoại, quy trình tổ chức hội nghị người lao động, điều lệ công ty, nội quy lao động, quy chế lương, quy định thang, bảng lương, thỏa ước lao động tập thể, quy chế phối hợp giữa công đoàn và ban giám đốc, quy định giải quyết khiếu nại, kiến nghị... Đến hết năm 2022, hơn 50% số doanh nghiệp có 10 lao động trở lên ban hành các quy chế, quy định thực hiện dân chủ trong nội bộ và mối quan hệ với tổ chức, cá nhân; trong đó, doanh nghiệp nhà nước đạt 100%, công ty cổ phần đạt 53%, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) đạt 52%; các doanh nghiệp còn lại hầu hết đã xây dựng được thỏa ước lao động tập thể.

 

Người sử dụng lao động trong nhiều doanh nghiệp chú trọng thực hiện công khai thông tin tại nơi làm việc để tạo sự đồng thuận của người lao động, cùng nhau vượt khó, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua nhiều hình thức phù hợp, như: Thông báo tại các cuộc họp, các cuộc đối thoại giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; thông báo trên hệ thống thông tin nội bộ; niêm yết công khai tại nơi làm việc; bằng văn bản cho tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để công khai đến người lao động; các phương tiện truyền thông xã hội, website, thư điện tử nội bộ và các hình thức khác.

Nội dung được nhiều doanh nghiệp tập trung công khai là: Nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động và các quy định của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh; thỏa ước lao động tập thể; nghị quyết hội nghị người lao động; việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ được người lao động đóng góp; tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo... 

Hai là, về thực hiện đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng tập thể

Để nắm bắt, giải quyết các mong muốn, kiến nghị, bức xúc của người lao động, trong thời gian qua, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc tổ chức hội nghị đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Đối với các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, năm 2020, đã tổ chức 549 cuộc đối thoại định kỳ, chiếm 50% số doanh nghiệp; năm 2021, có 100% số doanh nghiệp nhà nước, 80% số doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; năm 2022, các doanh nghiệp đã tổ chức được 1.215 cuộc đối thoại định kỳ và 732 cuộc đối thoại đột xuất, trong đó 100% số doanh nghiệp nhà nước đã tổ chức hội nghị đối thoại định kỳ theo quý. Đối với các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, việc thực hiện đối thoại định kỳ ở công ty cổ phần, công ty TNHH có chuyển biến tích cực với hơn 50% số doanh nghiệp đã tổ chức đối thoại định kỳ ít nhất 1 lần/năm. Số lượng các cuộc đối thoại định kỳ và các cuộc đối thoại đột xuất (khi một bên có yêu cầu) ở các doanh nghiệp ngày càng tăng. Việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc được đa số các doanh nghiệp lồng ghép vào các cuộc giao ban, tổng kết định kỳ theo quý, năm. Để chuẩn bị cho hội nghị, người sử dụng lao động đã bố trí địa điểm, thời gian và các điều kiện cần thiết, cử các thành viên đại diện cho bên người sử dụng lao động tham gia; phối hợp tổ chức công đoàn chuẩn bị các nội dung, tài liệu, thông báo cho người lao động tham gia... Nội dung đối thoại chủ yếu xoay quanh các vấn đề liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và các vấn đề liên quan đến lợi ích của người lao động.

Tiếp tục thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể, tính đến tháng 3- 2023, toàn thành phố đã có 1.128/1.457 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể (đạt 77%). Trong đó, đáng ghi nhận là có 27 bản thỏa ước lao động tập thể nhiều doanh nghiệp được ký kết, nhất là bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết bởi 30 doanh nghiệp ngành điện tử thuộc Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng với nhiều nội dung cam kết, thực hiện có lợi hơn so với quy định của pháp luật (gần 10.000 công nhân lao động được thụ hưởng).

Ba là, về tổ chức hội nghị người lao động

 Việc tổ chức hội nghị người lao động có những chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp nhà nước duy trì nền nếp việc tổ chức hội nghị người lao động hằng năm (đạt 100%); nhiều công ty cổ phần, công ty TNHH quan tâm tổ chức hội nghị người lao động (đạt hơn 50%). Đa số các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động hằng năm (đạt hơn 70%). Hội nghị người lao động thường được các doanh nghiệp tổ chức gắn với hội nghị tổng kết năm. Đối với các doanh nghiệp cổ phần không còn vốn nhà nước chi phối, việc tổ chức hội nghị người lao động hầu hết gắn với đại hội cổ đông thường niên (vào thời gian quý 2 hằng năm). Tại hội nghị, người sử dụng lao động thông tin về tình hình, kết quả sản xuất, kinh doanh; người lao động được tham gia thảo luận, đánh giá việc thực hiện nội quy, quy định của doanh nghiệp, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể; việc trích lập, sử dụng quỹ do người lao động đóng góp; giải đáp các kiến nghị, thắc mắc của người lao động...

Bốn là, về việc người lao động tham gia ý kiến

Người lao động ngày càng tham gia ý kiến vào nhiều nội dung tại nơi làm việc, tập trung vào đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ… (nhất là trong thời gian dịch COVID19 diễn biến phức tạp, kéo dài), góp phần giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều người lao động chủ động tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế, xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động; đề xuất nội dung thương lượng tập thể thông qua các hình thức như tham gia trực tiếp, tổ chức công đoàn, gửi góp ý, kiến nghị trực tiếp với người sử dụng lao động.

Thứ năm, về việc người lao động kiểm tra, giám sát

Người lao động ngày càng quan tâm công tác kiểm tra, giám sát tại nơi làm việc để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Đa số người lao động tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; việc thực hiện nội quy lao động, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; việc sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp; việc thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động thông qua theo dõi các hoạt động sản xuất, kinh doanh hằng ngày của doanh nghiệp, các hội nghị, cuộc đối thoại, các cuộc họp phân xưởng, tổ, đội sản xuất; hoạt động của các tổ chức công đoàn cơ sở, tổ chức đại diện người lao động...

LÊ TRÍ VŨ, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY, TRƯỞNG BAN DÂN VẬN THÀNH ỦY

Kết nối

Hệ thống văn bản

THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Thực hiện dân chủ ở cơ sở Hệ thống văn bản