Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Doanh nghiệp viễn thông: Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số

Doanh nghiệp viễn thông: Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số

Ngày 17-10-2024 Lượt xem 80

Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang dịch vụ số đang là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp viễn thông. Đây là định hướng phát triển phù hợp xu thế chung, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của thành phố.

Công ty Dịch vụ Mobifone khu vực 5 giới thiệu các dịch vụ số, giải pháp công nghệ tới khách hàng

 

Xu hướng tất yếu

Trong bối cảnh dịch vụ viễn thông truyền thống suy giảm, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và yêu cầu chuyển đổi số, các doanh nghiệp viễn thông thay đổi chiến lược kinh doanh, từng bước chuyển từ cung cấp dịch vụ viễn thông thuần túy sang cung cấp dịch vụ số (gồm hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số và ứng dụng số). Theo Tổng giám đốc Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel Nguyễn Mạnh Hổ, từ năm 2020, Viettel cơ bản hoàn thành chuyển đổi từ doanh nghiệp viễn thông thành doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số, với tổng doanh thu các lĩnh vực dịch vụ số tăng trưởng 20-30%/năm. Viettel xây dựng hạ tầng mạng lưới siêu băng rộng, hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng IoT và 5 trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế lớn nhất Việt Nam. Nhờ vậy, hiện doanh nghiệp có thể tư vấn, cung cấp các giải pháp, các dịch vụ, ứng dụng đáp ứng yêu cầu chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng như của các bộ, ngành, địa phương. Thực tế, doanh nghiệp đang hỗ trợ thúc đẩy chuyển số cho hơn 20 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; triển khai trung tâm điều hành thông minh (IOC) cho hơn 40 tỉnh, thành phố; trong đó có Hải Phòng.

Không nằm ngoài xu thế chung, từ năm 2019, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thực hiện chuyển đổi số “VNPT 4.0” với mục tiêu hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025. Một loạt sản phẩm công nghệ được doanh nghiệp triển khai để lại dấu ấn như xây dựng thành công Trục liên thông văn bản quốc gia, Chính phủ điện tử, các giải pháp phát triển Chính phủ điện tử… Tại VNPT Hải Phòng, nhiều dịch vụ công nghệ thông tin được doanh nghiệp triển khai thành công, cung cấp tới nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn như hỗ trợ xây dựng chính quyền điện tử thành phố và các quận, huyện; các ứng dụng phát triển chính quyền số; quản lý doanh nghiệp; dịch vụ quản lý y tế thông minh; ứng dụng quản lý trường học VnEdu4.0 gồm dạy và học trực tuyến E-learning, quản lý dinh dưỡng, học bạ điện tử…

Tổng công ty Viễn thông Mobifone cũng nhanh chóng chuyển đổi số trong nội bộ doanh nghiệp, đầu tư nguồn lực, mở rộng kinh doanh trên lĩnh vực công nghệ thông tin, cung cấp nhiều dịch vụ số tiện ích. Trong đó, nhiều sản phẩm, ứng dụng được ra mắt, ứng dụng tại Hải Phòng như giải pháp truyền thanh thông minh, camera công nghệ nhận diện khuôn mặt, vật thể; quản lý giáo dục, y tế…

 

Đồng hành thành phố

Theo Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Vũ Đại Thắng, chuyển hướng phát triển các dịch vụ số, ngoài mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp viễn thông đang hỗ trợ tích cực, góp phần thúc đẩy nhanh chương trình chuyển đổi thành phố. Thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và chương trình hành động thực hiện nghị quyết của UBND thành phố, hiện 3 tập đoàn viễn thông - công nghệ hàng đầu cả nước đang tham gia tư vấn các giải pháp, cung cấp dịch vụ số trên nhiều lĩnh vực, từ công tác chính quyền, quản lý doanh nghiệp, sản xuất - kinh doanh đến đời sống. Điển hình, Viettel hỗ trợ thành phố lắp đặt Trung tâm giám sát, điều hành thông minh thành phố (IOC); VNPT hỗ trợ triển khai hệ thống Tổng đài 1022 - kênh tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh của người dân; Mobifone cung cấp và chuyển giao công nghệ hệ thống loa truyền thanh thông minh…

Ở các sở, ngành, quận, huyện, thông qua ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, các doanh nghiệp viễn thông đang tích cực phối hợp, hỗ trợ thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số của ngành, địa phương, tiêu biểu như kỳ họp không giấy tờ, phòng họp trực tuyến, hệ thống tổng hợp thông tin, quản lý, chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định (hệ thống DSS) trong xây dựng chính quyền số; các dịch vụ chữ ký số, học bạ điện tử, bệnh án điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử cùng nhiều dịch vụ tiện ích khác.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường, các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ có vai trò quan trọng, đồng hành thành phố trong thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra theo Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, có những nhiệm vụ mang tính chất nền tảng như đầu tư phát triển hạ tầng số, số hóa và phát triển dữ liệu, nền tảng số, xây dựng kho dữ liệu dùng chung…Có thể nói, từ thời điểm năm 2022, khi Hải Phòng đẩy mạnh chuyển đổi số, các doanh nghiệp viễn thông tham gia tích cực khắc phục các hạn chế và phát triển hạ tầng số, cung cấp đa dạng các dịch vụ số theo nhu cầu, hỗ trợ đắc lực thành phố thực hiện chuyển đổi số./.

Theo baohaiphong.vn

Kết nối

Hệ thống văn bản

THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Thực hiện dân chủ ở cơ sở Hệ thống văn bản