Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Quy mô đào tạo trình độ đại học chính quy có xu hướng tăng: Sẵn sàng nguồn nhân lực

Quy mô đào tạo trình độ đại học chính quy có xu hướng tăng: Sẵn sàng nguồn nhân lực

Ngày 17-10-2024 Lượt xem 89

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy mô đào tạo trình độ đại học chính quy 3 năm học gần đây có xu hướng tăng, do quy chế tuyển sinh có nhiều thuận lợi, sự chủ động đầu tư nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục... Ghi nhận tại các trường đại học trên địa bàn thành phố cho thấy, quy mô đào tạo tăng rõ rệt qua từng năm, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố thời gian tới.

Sinh viên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trong giờ thực hành

Tăng cả chất và lượng

Năm học 2024-2025, quy mô đào tạo hệ đại học chính quy của Trường đại học Hàng hải Việt Nam đạt gần 15.681 sinh viên, tăng hơn 1.200 sinh viên so với năm học 2023-2024. PGS.TS Phạm Văn Thuần, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo (Trường đại học Hàng hải Việt Nam) cho biết: Trong mùa tuyển sinh năm nay, nhà trường tuyển sinh gần 5.000 sinh viên, tăng hơn 1.000 sinh viên so với năm 2023. Kết quả tuyển sinh năm nay đạt, vượt chỉ tiêu đề ra với chất lượng đầu vào khá tốt. Đây là tiền đề quan trọng để nhà trường bắt nhịp được với nhu cầu thị trường lao động, thực hiện tốt đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Tại Trường đại học Hải Phòng, năm học 2023-2024, tổng số sinh viên hệ đào tạo chính quy hơn 12.800 em. Năm học 2024-2025, quy mô đào tạo hệ đại học chính quy của trường tăng rõ rệt. PGS.TS Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường đại học Hải Phòng khẳng định: "Năm nay, nhà trường mở thêm 5 mã ngành mới với hàng trăm chỉ tiêu, tạo sức hút lớn đối với người học, nhờ đó, chỉ sau đợt tuyển bổ sung lần 2, nhà trường hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh”. Tương tự, quy mô đào tạo của Trường đại học Y Dược Hải Phòng cũng không ngừng tăng qua các năm.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy mô đào tạo đại học chính quy năm nay có xu hướng tăng nhẹ so với năm 2023, trong đó, phải kể đến sự tăng đáng kể của các lĩnh vực: Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật… Khối ngành này tăng hơn 62.000 sinh viên, tăng 10,59% so với năm 2023. Mặc dù quy mô đào tạo trình độ đại học tăng nhưng tập trung ở các ngành, lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao như: Khối ngành kinh tế, tài chính hoặc khối ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn, nhưng các nhóm ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật, nông nghiệp... chưa có sức hút đối với người học.

 

Nâng cao chất lượng đào tạo

Hiện, với 14 khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn thành phố, nhu cầu về nhân lực, nhất là nhân lực đã qua đào tạo ngày càng tăng. Tính đến tháng 8-2024, tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế tại Hải Phòng hơn 201.000 lao động, trong đó, lao động Việt Nam hơn 196.000 lao động. Theo ước tính của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, nhu cầu lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế liên tục tăng, với mức tăng bình quân 16% /năm. Theo yêu cầu phát triển đến năm 2025, thành phố cần hơn 300.000 lao động có tay nghề cao, trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc. Căn cứ dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực, các trường đại học trên địa bàn thành phố đưa ra mục tiêu dài hơi trong công tác đào tạo. Cụ thể, Trường đại học Hải Phòng phấn đấu đến năm 2025, quy mô đào tạo các trình độ đạt khoảng hơn 15.000 sinh viên, học viên các hệ; đến năm 2030, quy mô đào tạo các trình độ đạt khoảng từ 18.000 đến 20.000 sinh viên, học viên các hệ và đến năm 2045, quy mô đào tạo các trình độ đạt khoảng từ 26.000-29.000 sinh viên, học viên các hệ. Đồng thời, mở mới một số chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại…

Trường đại học Hàng hải Việt Nam đặt mục tiêu phát triển quy mô đào tạo đạt 20.000 - 26.000 sinh viên vào năm 2030; đến năm 2045 đạt 30.000 - 35.000 sinh viên. Dự kiến đội ngũ giảng viên sẽ phát triển lên khoảng 900 giảng viên cơ hữu vào năm 2030, khoảng 1.200 giảng viên cơ hữu vào năm 2045, trong đó có gần 200 giáo sư, phó giáo sư, hơn 700 tiến sĩ, gần 500 thạc sĩ và không còn giảng viên hệ cử nhân. PGS.TS Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường đại học Hàng hải Việt Nam cho biết: “Để đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô đào tạo, nhà trường tăng cường thu hút vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cấp, hiện đại hóa các phòng học, các phòng thực hành, thí nghiệm ngang tầm khu vực và quốc tế; tăng số lượng các chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài, thu hút sinh viên quốc tế và xuất khẩu giáo dục tại chỗ.

Để song hành giữa “chất” và “lượng” trong quá trình mở rộng quy mô đào tạo, nhiệm vụ quan trọng các trường đại học tập trung đổi mới công tác tuyển sinh, chương trình và phương thức đào tạo gắn với tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, nhất là ở các lĩnh vực, ngành trọng điểm theo định hướng phát triển của địa phương và của vùng. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, nghị quyết về xây dựng và phát triển các nhà trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Theo baohaiphong.vn

Kết nối

Hệ thống văn bản

THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Thực hiện dân chủ ở cơ sở Hệ thống văn bản