Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Mối quan hệ giữa Phật giáo và Triết học Mác Lê nin về nhân - quả,  ý nghĩa với thực tiễn.

Mối quan hệ giữa Phật giáo và Triết học Mác Lê nin về nhân - quả, ý nghĩa với thực tiễn.

Ngày 17-08-2023 Lượt xem 4281

Thuyết nhân quả của Đạo Phật

Nhân - Quả là một triết lý mang tính khoa học, quy luật tự nhiên của vũ trụ, không phụ thuộc vào sự thưởng phạt từ một đấng quyền năng nào. Từ đó suy luận ra, triết lý nhân quả chi phối cả vũ trụ nhân sinh. Hiểu được nhân quả, chúng ta sẽ có những suy nghĩ, việc làm đúng đắn trong đời sống vật chất, tinh thần, trở nên hiền thiện đạo đức. Ngược lại, nếu không hiểu nhân quả, cuộc sống chúng ta trở nên liều lĩnh và bừa bãi, bất chấp hậu quả. Nhà bác học Einstein đã nói: “Đạo Phật là khoa học vừa mang tính tự nhiên vừa siêu nhiên”.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có thể nói, phương pháp giáo dục phổ thông của Đạo Phật được tìm thấy ở đạo lý nhân quả. Khi chúng ta làm một việc sái trái, có hại cho người khác, có thể thoát khỏi sự phán xét của pháp luật nhưng không thể trốn chạy với chính lương tâm của mình. Mình chính là kết quả do mình gây ra trong quá khứ, là quan tòa xử án công minh cho những hành vi tội lỗi nơi bản thân. Giáo dục về nhân quả giúp ta sửa đổi thói hư, tật xấu từ trong lương tâm mà không phải giúp mình trốn chạy sự xét xử nghiêm minh của pháp luật. Nhân quả nhà Phật chú trọng đến động cơ luận hơn là kết quả luận, phòng cháy chứ không chờ chữa cháy. Giáo dục của Đạo Phật là giáo dục từ ban đầu khi khởi tâm niệm bất thiện, trước khi xảy ra điều tệ hại, khuyên mọi người ăn hiền ở lành, hiểu biết nhân quả, tội phúc, thì tự nhiên trở thành người tốt. Vì vậy, người nào hiểu được nhân quả thì đời sống người đó được bình yên. Một người ác có thể trở thành người hiền, một người xấu xa có thể trở thành một người tốt.

Phật Thích Ca đã nói:                                                                                           

Trên cuộc đời này có bốn hạng người:

Hạng người thứ nhất, từ tối vào nơi tối.

Hạng người thứ hai, từ tối đi ra sáng.

Hạng người thứ ba, từ nơi sáng đi vào tối.

Hạng người thứ tư, từ nơi sáng đi đến sáng.

Thế nào gọi là từ tối đến tối? Nghĩa là người đó sanh trong một gia đình nghèo khổ, kém văn hóa, không có đạo đức, lại không học hiểu đạo lý, với ý nghĩ ác, miệng nói ác, thân làm ác, nên gọi là từ tối mà đến tối.

Hạng người thứ hai, từ tối đến sáng, nghĩa là người này sinh trong một gia đình nghèo khổ, không có văn hóa, không có đạo đức, nhưng tự thân người đó nỗ lực tu hành, ý nghĩ điều lành, miệng nói điều lành, thân làm việc lành, ngày càng thăng hoa trên đời sống đạo đức, nên gọi là người từ tối mà đến sáng.

Hạng người thứ ba, từ nơi sáng đi vào tối, nghĩa là họ sinh trong một gia đình khá giả, có văn hóa, có đạo đức, nhưng bản thân lại nghĩ điều ác, miệng nói ác, thân làm ác, không biết đến đạo lý, nên gọi là từ sáng đi đến tối.

Hạng người thứ tư, từ sáng đi đến sáng, nghĩa là người này được sinh ra trong một gia đình khá giả, có đạo đức, văn hóa, lại biết tu học, ý nghĩ điều lành, miệng nói lành, thân làm lành. Đây là hạng người hữu phước, gọi là từ sáng đến sáng.

Theo quan điểm của đạo Phật, tất cả chúng ta sống trong cuộc đời này đều do nghiệp quả biểu hiện từ những kiếp trước. Mọi hậu quả chúng ta đang mang đều chính do bản thân chúng ta tạo ra. Các pháp chuyển biến từ trạng thái này sang trạng thái khác, tâm lý chuyển biến từ trạng thái này đến trạng thái khác, thì nghiệp cũng chuyển biến từ trạng thái này đến trạng thái khác, không có cái gì đứng yên. Vì vậy, nghiệp có thể chuyển, từ người ác có thể thành người hiền, từ người hiền nếu không tu cũng có thể trở thành người ác. Nhân quả thể hiện qua ba phạm trù thời gian, gọi là hiện báo, sinh báo và hậu báo. Hiện báo là kết quả trổ ngay trong hiện kiếp, có thể ngay tức khắc, hoặc một ngày, một tháng, một năm, nhiều năm…trong một đời này. Sanh báo là kết quả trổ ở kiếp sau khi vừa thụ nhận một thân mới. Vì vậy, có những người tạo việc lành bây giờ mà vẫn gặp điều không tốt vì nhân ác đã tạo từ kiếp trước. Hậu báo là khi mình tạo việc lành hay việc dữ ở kiếp này, quả không trổ liền ở kiếp này hay kiếp tiếp theo mà nhiều kiếp về sau mới trổ, vì duyên chưa đủ. Về lý nhân quả mà nói ba thời, ba khía cạnh của nhân quả.

Chúng ta có thể kiểm nghiệm ở nơi hiện tượng có sinh, có diệt theo chiều nhân quả, từ đó áp dụng tu tập cho bản thân mình và mọi người, chuyển đổi những thói hư, tật xấu nơi mình, góp phần vào đời sống gia đình và xã hội được bình an, phúc lạc. Tin nhân quả, chúng ta tự ý thức dè dặt từng bước đi trong cuộc sống này, chính bản thân mình sống có ý nghĩa. Và, chúng ta đem cái ý nghĩa đó làm những việc hữu ích cho mọi người. Giáo dục con người biết tin nhân quả thì bản thân họ được an vui, gia đình họ được hạnh phúc và xã hội được ổn định trật tự, làm nền tảng xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh.

Phạm trù nguyên nhân và kết quả của triết học Mác - Lê nin


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phạm trù Nguyên nhân và kết quả là một trong sáu cặp phạm trù của Triết học Mác-Lê nin.

Nguyên nhân dùng để chỉ sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật, hiện tượng, hoặc giữa các sự vật, hiện tượng với nhau, từ đó tạo ra sự biến đổi nhất định.

Kết quả dùng để chỉ những biến đổi xuất hiện do sự tác động giữa các mặt, các yếu tố trong một sự vật, hiện tượng, hoặc giữa các sự vật, hiện tượng.

Ví dụ, sự tương tác lẫn nhau giữa các yếu tố trong hạt ngô và môi trường, đất nước, ánh sáng là nguyên nhân làm cho từ hạt ngô nảy mầm lên cây ngô. Sự tác động giữa điện, xăng, không khí, áp suất, v.v (nguyên nhân) gây ra sự nổ (kết quả) cho động cơ.

Nguyên nhân là cái sinh ra kết quả, nên nguyên nhân luôn có trước kết quả về mặt thời gian. Tuy nhiên, không phải mọi sự nối tiếp nhau về thời gian đều là quan hệ nhân quả. Ví dụ, ngày và đêm không phải là nguyên nhân của nhau. Sấm và chớp không phải nguyên nhân của nhau. Muốn phân biệt nguyên nhân và kết quả thì phải tìm ở quan hệ sản sinh, tức là cái nào sinh ra cái nào. Một nguyên nhân có thể sinh ra nhiều kết quả khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể, ví dụ: gạo và nước đun sôi có thể thành cơm, cháo, v.v phụ thuộc vào nhiệt độ, mức nước, người nấu… Ngược lại, một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, ví dụ: sức khoẻ của chúng ta tốt do luyện tập thể dục, do ăn uống điều độ, do chăm sóc y tế tốt v.v chứ không chỉ một nguyên nhân nào.

Trong những điều kiện nhất định, nguyên nhân và kết quả có thể chuyển hoá lẫn nhau. Nghĩa là cái trong quan hệ này được coi là nguyên nhân thì trong quan hệ khác có thể là kết quả. Ví dụ, chăm chỉ làm việc là nguyên nhân của thu nhập cao. Thu nhập cao lại là nguyên nhân để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân.

 Kết quả, sau khi xuất hiện lại tác động trở lại nguyên nhân (hoặc thúc đẩy nguyên nhân tác động theo hướng tích cực, hoặc ngược lại). Ví dụ, nghèo đói, thất học làm gia tăng dân số, gia tăng dân số lại làm tăng nghèo đói, thất học, v.v.

Trong sự vận động của thế giới vật chất, không có nguyên nhân đầu tiên và kết quả cuối cùng. Ph.Ăngghen viết: "Chúng ta cũng thấy rằng nguyên nhân và kết quả là những khái niệm chỉ có ý nghĩa là nguyên nhân và kết quả khi được áp dụng vào một trường hợp riêng biệt nhất định; nhưng một khi chúng ta nghiên cứu trường hợp riêng biệt ấy trong mối liên hệ chung của nó với toàn bộ thế giới thì những khái niệm ấy lại vẫn gần với nhau và  gắn bó với nhau trong một khái niệm về sự tác động qua lại lẫn nhau một cách phổ biến, trong đó nguyên nhân và kết quả luôn thay đổi vị trí cho nhau; cái ở đây hoặc trong lúc này là nguyên nhân thì ở chỗ khác hoặc ở lúc khác lại là kết quả, và ngược lại".

Điểm tương đồng, ý nghĩa sâu sắc trong triết lý nhân quả của Đạo Phật và phạm trù nguyên nhân và kết quả trong triết học Mác - Lê nin  

 - Vũ trụ nhân sinh luôn chuyển biến vận hành trong mọi thời khắc. Có thể nói, bản thân chúng ta, hoạt động tâm lý và tất cả các pháp đang chuyển biến liên tục, không ngừng nghỉ dù chỉ một sát na (một ngày 24 giờ được tính bắng sáu nghìn bốn trăm tỷ, chín vạn, chín nghìn, chín trăm, tám mươi sát na). Quá khứ, hiện tại và vị lai luôn chuyển biến theo chiều hướng nhân quả. Nhân quả cũng tức là vô thường, là chiều thời gian chuyển biến liên tục trong tự thân của vật thể và trong hoạt động tâm lý. Vũ trụ nhân sinh chuyển biến vận hành theo một quy luật chung, là luật nhân quả. Nó vận hành một cách âm thầm, quy luật đó chi phối cả đời sống vật chất, vật lý, sinh lý và tâm lý. Thân ngũ uẩn (sắc, thụ, tưởng, hành, thức) đều do hành động, việc làm (thân, khẩu, ý - nghiệp lực) tạo ra mà có sự sai biệt về hình dáng, tính cách, hoàn cảnh. Cho nên, không ai khác chính mình tạo ra hoàn cảnh cho bản thân. Người hiểu đạo lý, niềm tin này làm cho họ tự ý thức dè dặt, thận trọng trong mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm của mình, chuyên tu ba nghiệp (thân, khẩu, ý nghiệp) cho được thanh tịnh, để chuyển hóa bản thân, gia đình và xã hội đều dứt ác hành thiện.

- Đạo Phật có nói: “Phàm làm việc gì phải nghĩ đến kết quả của nó”. Con người làm việc đôi khi do bản năng, tính háo thắng hoặc thiếu suy nghĩ mà không lường trước những hậu quả có thể xảy ra. Phần lớn những sự thất bại trong công việc đều do những yếu tố chủ quan mà ra. Vì vậy, áp dụng đạo lý nhân quả vào các công việc xã hội, chúng ta sẽ có được những thành công trong lao động. Người hiểu luật nhân quả sẽ không suy nghĩ, nói năng và làm việc xấu. Nếu mọi người ai cũng được vậy thì đất nước sẽ văn minh, xã hội có văn hoá, gia đình sẽ hạnh phúc. Vì thế, giáo dục con người biết suy nghĩ tốt, làm việc lành là một nhiệm vụ cao cả và cần thiết.

- Trong nhận thức và hoạt động thực tiễn cần tôn trọng tính khách quan của mối liên hệ nhân quả. Không được lấy ý muốn chủ quan thay cho quan hệ nhân quả. Muốn cho hiện tượng nào đó xuất hiện cần tạo ra những nguyên nhân cùng những điều kiện cho những nguyên nhân phát huy tác dụng. Ngược lại, muốn cho hiện tượng nào đó mất đi thì phải làm mất nguyên nhân tồn tại cũng như những điều kiện để các nguyên nhân ấy phát huy tác dụng (cả triết lý nhân - quả của đạo Phật và phạm trù nguyên nhân, kết quả của triết học Mác-Lênin rất tương đồng ở điểm này).

- Phải biết xác định đúng nguyên nhân để giải quyết vấn đề nảy sinh vì các nguyên nhân có vai trò không như nhau. Nguyên nhân có thể tác động trở lại kết quả; do đó, trong hoạt động thực tiễn cần khai thác, tận dụng những kết quả đã đạt được để thúc đẩy nguyên nhân tác động theo hướng tích cực phục vụ cho đời sống con người./.

Đồng chí Bùi Trung Tiến
Bí thư Huyện ủy Bạch Long Vĩ

Kết nối

Hệ thống văn bản

THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Thực hiện dân chủ ở cơ sở Hệ thống văn bản