Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Thành phố Hải Phòng thực hiện dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp: Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ (KỲ 3)

Thành phố Hải Phòng thực hiện dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp: Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ (KỲ 3)

Ngày 20-02-2024 Lượt xem 235

Công nhân Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng trên dây chuyền sản xuất. Ảnh: TRUNG KIÊN

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp là yếu tố quan trọng, giúp sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đạt kết quả tốt, bảo đảm quyền lợi người lao động, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững thành phố Hải Phòng. Thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp ngày càng thực chất và rộng rãi, trở thành yếu tố giúp cho môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Phòng trở nên hấp dẫn hơn, là điểm đến mong muốn của nhà đầu tư và lao động trong nước và nước ngoài.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp

Trong điều kiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nói chung và thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nói riêng ngày càng hoàn thiện với sự ra đời của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ ở thành phố Hải Phòng,cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, rà soát, đánh giá, nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, quy chế, quy định để lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục cụ thể hoá phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định về dân chủ ở tổ chức có sử dụng nhiều lao động; thành lập mới, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội liên hiệp thanh niên trong các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại chuyên đề (trực tiếp, trực tuyến; định kỳ, đột xuất) giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành với doanh nghiệp và công nhân lao động thành phố. 

Thứ hai, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người sử dụng lao động và người lao động đối với thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp. Các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội liên hiệp thanh niên đổi mới nội dung, biện pháp, cách thức tuyên truyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp theo hướng ưu tiên lựa chọn các hình thức tuyên truyền nổi bật, có mức độ phổ biến rộng rãi, phù hợp với từng đối tượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người sử dụng lao động, người lao động về dân chủ và trách nhiệm thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức, như hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, hội thi, cuộc thi trực tuyến, hình thức sân khấu hóa…

 

Chú trọng việc ứng dụng, sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin, các website, các phương tiện truyền thông xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok, Youtube…) vào công tác tuyên truyền; chuyển từ “tuyên truyền” sang “truyền thông”, từ tuyên truyền một chiều sang tuyên truyền kết hợp đối thoại, tương tác, tiếp nhận thông tin phản biện hai chiều. Tập trung xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đối tượng tuyên truyền là người sử dụng lao động, người lao động; bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, rõ về quyền, lợi ích, trách nhiệm của việc thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp. Việc tuyên truyền, phổ biến phù hợp, linh hoạt, phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng doanh nghiệp.

Thứ ba, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống dữ liệu thống kê, theo dõi đầy đủ, kịp thời, chính xác việc thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Hướng dẫn về quy trình, thủ tục thành lập, đăng ký và thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động được hình thành khi Việt Nam thực hiện cam kết về lao động theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA). Thiết lập quy chế phối hợp, tham vấn, chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trong giải quyết những vấn đề liên quan đến lao động, quan hệ lao động, thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp.

Tăng cường sự kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động với các tổ chức đại diện người lao động trong doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát,thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động nói chung và thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nói riêng, nhất là ở các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước; nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động về lương, thưởng, phụ cấp, chế độ bảo hiểm, phúc lợi xã hội, chính sách đối với lao động nữ, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tại nơi làm việc...; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, xử lý các doanh nghiệp vi phạm; chú trọng giám sát kết quả xử lý sau thanh tra, kiểm tra. Phát hiện, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt dân chủ ở doanh nghiệp.

Thứ tư, thành lập, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các cấp. Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế Dân chủ thành phố Hải Phòng phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, cá nhân thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các ban, sở, ngành phụ trách lĩnh vực công tác liên quan nhiều đến doanh nghiệp, doanh nhân, công nhân lao động (HĐND, UBND thành phố Hải Phòng, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp thành phố, Ban Dân vận Thành ủy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Công an thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Thành đoàn Hải Phòng) trong tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp. Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở thành phố, các quận ủy, huyện ủy tham mưu cấp ủy thành lập mới ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở các doanh nghiệp có tổ chức đảng, có đủ điều kiện, hướng dẫn củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở các doanh nghiệp đã thành lập; khuyến khích các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng thành lập ban chỉ đạo. Mẫu hóa quy chế thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (năm 2022) và hướng dẫn thực hiện đồng bộ, thống nhất ở các loại hình doanh nghiệp. Tiến hành đánh giá, chấm điểm kết quả thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp là một tiêu chí thành phần để đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng ở các doanh nghiệp hằng năm. 

Thứ năm, cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo rà soát, nâng cao số lượng và chất lượng quy chế, quy định cụ thể hóa thực hiện dân chủ được ban hành trong doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, cụ thể: Đối với các doanh nghiệp đã ban hành quy chế, quy định thì cần hướng dẫn người sử dụng lao động rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định đã ban hành; ban hành mới các quy chế, quy định cụ thể hóa thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (năm 2022), phù hợp với đặc điểm, tình hình của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp chưa ban hành quy chế, quy định thì phải hướng dẫn người sử dụng lao động xây dựng, ban hành các quy chế, quy định cụ thể hóa thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp; bảo đảm cụ thể, khả thi, phù hợp với pháp luật lao động và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (năm 2022) và đặc điểm, tình hình của doanh nghiệp.

 Thứ sáu, mở rộng nội dung và hình thức để người sử dụng lao động thực hiện công khai.

Về nội dung, thực hiện công khai thông tin tài chính, quản lý tài sản doanh nghiệp, công tác nhân sự; quy chế thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp; các thông tin về việc bảo đảm đạo đức, văn hóa kinh doanh, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thực hiện kiến nghị của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán liên quan đến quyền lợi của người lao động (trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước).

Về hình thức, thông báo qua hệ thống thông tin nội bộ hoặc đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của doanh nghiệp; thông qua mạng viễn thông, các phương tiện truyền thông xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật và được sự thống nhất của ban chấp hành công đoàn ở doanh nghiệp, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có).

Thứ bảy, mở rộng nội dung và hình thức người lao động được tham gia ý kiến, bàn và quyết định, tham gia kiểm tra, giám sát.

Người lao động tham gia ý kiến vào dự thảo quy trình, thủ tục nội bộ về giải quyết tranh chấp lao động, xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất và các nội dung khác liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động mà doanh nghiệp thấy cần tham khảo ý kiến; dự thảo quy chế thực hiện dân chủ của doanh nghiệp; nội dung, hình thức thỏa ước lao động tập thể; nội dung, hình thức đối thoại tại doanh nghiệp nhà nước; đối thoại định kỳ; nội dung, cách thức thương lượng tập thể; nội dung, hình thức công khai các quy chế, quy định trong doanh nghiệp thông qua các hình thức, như tham gia ý kiến trực tiếp hoặc thông qua người trực tiếp phụ trách của đơn vị, bộ phận của doanh nghiệp, hòm thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống thông tin nội bộ, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.

Về nội dung, người lao động được bàn và quyết định: Người lao động bàn và quyết định các nội dung về việc lập các loại quỹ và thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản từ thu nhập, đóng góp của người lao động; nội dung nghị quyết của hội nghị người lao động; tham gia các câu lạc bộ, chương trình tình nguyện; mức đóng các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại doanh nghiệp; tham quan, nghỉ mát hằng năm; học tập, nâng cao trình độ, tay nghề...

Về hình thức, người lao động kiểm tra, giám sát thông qua hoạt động lao động, sản xuất, sinh hoạt của người lao động ở doanh nghiệp; quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với người có chức vụ, quyền hạn, người lao động khác trong doanh nghiệp; tiếp cận các thông tin được công khai; các thông tin, báo cáo của doanh nghiệp hoặc người được giao quản lý, thực hiện các nội dung người lao động đã bàn và quyết định; tham dự hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại tại nơi làm việc, các hoạt động hội họp, sinh hoạt tập thể khác tại nơi làm việc; thực hiện giám sát thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước./.

LÊ TRÍ VŨ, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY, TRƯỞNG BAN DÂN VẬN THÀNH ỦY

Kết nối

Hệ thống văn bản

THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Thực hiện dân chủ ở cơ sở Hệ thống văn bản