Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Làm giàu trên đất

Làm giàu trên đất

Ngày 22-04-2024 Lượt xem 982

Nằm ở phía Tây Nam của huyện An Dương, xã An Hoà có diện tích đất tự nhiên trên 926 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp hơn 420 ha với dân số hơn 13.600 nhân khẩu. Với điều kiện là xã có diện tích đất nông nghiệp lớn, người dân  An Hoà gắn bó, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, có truyền thống trong việc tiếp cận và đưa vào gieo trồng các loại rau màu có giá trị kinh tế cao, cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong nước, đã từng có thời điểm xuất khẩu như: Cà chua, bắp cải, su su, mướp đắng, ớt ngọt… Nhằm phát huy giá trị đất, những năm gần đây, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội xã An Hòa, huyện An Dương đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong đó có mô hình “Chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao” do Hội Nông dân xã An Hoà thực hiện.

Phát huy lợi thế của địa phương, Hội Nông dân xã An Hoà đã tích cực vận động, giúp hội viên và Nhân dân về vốn vay, áp dụng khoa học - kỹ thuật mới, thay đổi tập quán canh tác, mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ổi lê Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP có giá trị kinh tế cao. Ông Bùi Văn Năm, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa, huyện An Dương cho biết: Trước thực trạng ở địa phương có nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả nguy cơ bị bỏ hoang, Hội Nông dân xã đã tham mưu với Đảng ủy xã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây ổi lê Đài Loan. Sau hơn 3 năm triển khai, Nghị quyết đã nhận được sự đồng tình ủng hộ và thực hiện có hiệu quả của bà con, hội viên nông dân địa phương.

Cũng theo ông Năm, trồng ổi lê Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP sử dụng phân bón, chế phẩm có nguồn gốc sinh học trong thâm canh giúp cho cây ổi sinh trưởng và phát triển tốt, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Đặc tính của cây ổi lê Đài Loan rất nhanh ra trái, cây ghép chỉ sau 1 năm đã thu được quả, quả ổi thuôn dài, giòn thơm ngon, vị ngọt mát, rất ít hạt và hạt mềm, quả to trung bình 3 quả/kg, có quả to trên 1 kg. Nhờ áp dụng các phương pháp kỹ thuật mới (cắt, tỉa cành) người ta có thể cho cây ổi lê Đài Loan ra quả quanh năm, giúp người nông dân chủ động điều chỉnh thời gian thu quả theo ý muốn với năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hội viên nông dân hăng hái, đi đầu trong thực hiện mô hình này. Có thể kể đến hội viên Lê Văn Mào, ở thôn Hà Nhuận, xã An Hòa, huyện An Dương là một trong những người tiên phong trong chuyển đổi 4 sào ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ổi lê Đài Loan (từ năm 2019). Ông Lê Văn Mào chia sẻ: “Gia đình tôi được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho vay vốn 50 triệu đồng và hướng dẫn kỹ thuật ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh cây ổi lê Đài Loan. Nếu như so với trồng lúa 1 năm thu hoạch 02 vụ thì trồng ổi lê Đài Loan có thể cho thu hoạch quanh năm. Bình quân 1 sào trồng khoảng 40 cây ổi lê Đài Loan, trong một năm cho thu hoạch khoản 2 tấn quả, thu về gần 20 triệu đồng, cao hơn từ 6 đến 7 lần so với trồng lúa trên cùng 1 đơn vị diện tích. Đến nay gia đình tôi đã mở rộng diện tích trồng ổi lê Đài Loan lên gần 3 mẫu, hầu hết diện tích ổi đều đang cho thu hoạch. Giờ đây cây ổi lê Đài Loan là cây trồng chủ lực giúp gia đình tôi phát triển kinh tế”.

Ông Lê Văn Mào, thôn Hà Nhuận, xã An Hòa, huyện An Dương phấn khởi 
trước vụ ổi bội thu

Ông Mào chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cho cây ổi ra quả quanh năm

Cũng từ sự vận động và giúp đỡ của Hội Nông dân xã, gia đình ông Ngô Văn Lập ở thôn Hà Nhuận, xã An Hòa, huyện An Dương thuê 12 mẫu ruộng trồng lúa kém hiệu quả để trồng ổi lê Đài Loan. Ông Lập đầu tư cải tạo ruộng và áp dụng kỹ thuật trồng theo đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ hội nông dân. Đến nay gia đình ông Lập trồng được hơn 2.500 cây ổi lê Đài Loan đều đã đến kỳ thu hoạch. Ông Ngô Văn Lập cho biết: Hiện mỗi ngày ông thu hoạch được từ 5 đến 7 tạ ổi, với giá bán tại ruộng 10.000đ/1kg, tính ra mỗi ngày ông Lập thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng. Vào chính vụ có ngày cao điểm ông thu hoạch được 2 tấn ổi. Hiện gia đình ông thuê thêm gần 10 nhân công vừa chăm sóc và thu hoạch ổi hằng ngày. Tiền ông trả công cho người lao động từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng/1 người/1 ngày. Ngoài việc được hướng dẫn kỹ thuật trồng, gia đình ông Lập được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay ủy thác qua Hội Nông dân xã 100 triệu đồng theo nguồn vốn hỗ trợ việc làm. Số tiền này tuy còn hạn chế so với mô hình sản xuất hiện tại, nhưng cũng phần nào giúp gia đình có thêm động lực duy trì và mở rộng diện tích trồng ổi lê Đài Loan.

Cán bộ hội nông dân xã An Hòa thường xuyên bám ruộng, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc
cây ổi lê Đài Loan

          Hằng năm, Hội Nông dân xã phối hợp với các công ty cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao kỹ thuật mới, hướng dẫn bà con sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đúng cách. Hội cũng đứng ra tín chấp với các ngân hàng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn với dư nợ đến nay khoảng gần 10 tỷ đồng để giúp người nghèo sớm ổn định cuộc sống; cho một số hội viên vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân 17 tỷ đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Bằng sự tận tâm, trách nhiệm và gương mẫu của cán bộ hội nông dân cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành, từ vài hộ gia đình với những diện tích trồng nhỏ, lẻ ban đầu, đến nay xã An Hoà, huyện An Dương đã có nhiều hộ nông dân học tập làm theo mô hình chuyển đổi trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao với tổng diện tích trồng ổi lê Đài Loan và một số loại cây trồng khác lên tới hơn 50 ha, tập trung chủ yếu ở thôn Hà Nhuận.

Cánh đồng hơn 50 ha chuyên canh ổi lê Đài Loan tại thôn Hà Nhuận, xã An Hòa

Để thực hiện thành công việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã An Hoà đã triển khai, lồng ghép phong trào “Dân vận khéo”, lấy đội ngũ cán bộ nhiệt tình, tâm huyết, có trách nhiệm cao, luôn gần dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân làm nòng cốt; đồng thời luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp của Đảng ủy xã để Nhân dân tin tưởng, học tập và nhân rộng.

Sau nhiều năm, nhờ tích cực vận động Nhân dân thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, nhằm xây dựng một vùng sản xuất chuyên canh rau, hoa màu, đưa các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất như: Bắp cải, su hào, mướp đắng, đậu đỗ, dưa các loại… ở xã An Hoà đã từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Lợi nhuận thu được trên một đơn vị diện tích canh tác cao gấp nhiều lần so với trồng lúa như trồng ổi lê Đài Loan cho thu nhập từ 450 triệu đồng đến 470 triệu/ha/năm; đồng thời tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.

Chia sẻ về hiệu quả của công tác “Dân vận khéo” trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, ông Bùi Văn Năm, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa cho biết: Thực tiễn cho thấy, làm tốt các mô hình “Dân vận khéo” không chỉ góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, mà còn từng bước giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương và đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, nâng cao các tiêu chí Nông thôn mới./.

Hội Nông dân huyện An Dương

Hệ thống văn bản

zalo

ZALO

zalo Kênh Zalo Hệ thống văn bản