Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Xã nông thôn mới kiểu mẫu “made in Hải Phòng”- Cách làm riêng, đột phá, sáng tạo, đi trước cả nước ( Kì 2)

Xã nông thôn mới kiểu mẫu “made in Hải Phòng”- Cách làm riêng, đột phá, sáng tạo, đi trước cả nước ( Kì 2)

Ngày 16-11-2022 Lượt xem 186

Kỳ 2: Khi người dân “xắn tay áo” vào cuộc

Cho đến nay, hiếm có địa phương nào trên cả nước dành hàng nghìn tỷ đồng ngân sách cho xây dựng xã NTMKM như Hải Phòng. Đây là nguồn lực rất lớn, rất quan trọng nhưng yếu tố quyết định vẫn là sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Nói cách khác, đó chính là sức mạnh tổng hợp, có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của chương trình xây dựng xã NTMKM thí điểm tại Hải Phòng.

Sức mạnh của sự đồng thuận

Hải Phòng xây dựng xã NTMKM là chưa có tiền lệ, chưa có hình mẫu nào; Trung ương  chưa ban hành chương trình, bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025; các cơ chế, chính sách, văn bản pháp quy, hướng dẫn thực hiện cũng chưa đồng bộ, chưa đầy đủ. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15 tháng 8 vừa qua mới thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025. Như vậy, Hải Phòng đã không chỉ đi trước, mở đường, mà còn thể hiện rất cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để đi tới thành công. Những tiêu chí xã NTMKM do Hải Phòng đề ra là xuất phát từ thực tế, từ yêu cầu phát triển của thành phố trong hiện tại và đón trước tương lai, tạo nên sự thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, đúng nguyện vọng của nhân dân nên được đồng thuận cao, tạo nên sức mạnh.

Sức mạnh đó được thể hiện trước hết ở sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân. Kể từ khi bắt tay xây dựng NTMKM, cấp ủy Đảng, chính quyền; các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể  các huyện; các xã  tập trung cao độ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Từ Bí thư, Chủ tịch, Phó chủ tịch các huyện; Ban Thường vụ; lãnh đạo các đơn vị đều trực tiếp xuống từng xã, cùng tham gia tuyên truyền, vận động người dân. Có nhiều trường hợp, lãnh đạo huyện, xã phải xuống tận nhà dân hàng chục lần, không kể sớm tối, ngày lễ, ngày nghỉ. Đây cũng là lúc nở rộ nhiều mô hình, điển hỉnh về  dân vận khéo; về xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan tới giải phóng mặt bằng (GPMB), vận động quần chúng; là mô hình giám sát, vận động của Ủy ban MTTQ các cấp; là phong trào của Hội Cựu chiến binh; Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… Đã có rất nhiều câu chuyện hay, thiết thực, bổ ích từ thực tế công tác vận động GPMB xây dựng xã NTMKM. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Liên Lê Văn Ứng cho biết: Tân Liên là một trong những xã vận động GPMB khó nhất; có nhiều hộ dân phải hiến đất nhất; giá đất tại Tân Liên thời gian gần đây tăng rất nhanh, lên tới vài chục triệu đồng/m2 nên vận động nhân dân hiến đất hoàn toàn không đơn giản. Có nhiều hộ, lãnh đạo huyện; xã phải đi lại mấy chục lần. Có nhiều trường hợp, cán bộ, xã và huyện phải chờ tới tối, khi hộ dân đi làm về, cơm nước xong xuôi mới vào vận động thuyết phục… Thế nhưng qua đó lại có nhiều chuyện rất vui khi có hộ dân đang đêm gọi điện đồng ý nhận tiền đền bù vật kiến trúc; có hộ từ đầu tới cuối nhất định không xuôi, không tiếp cán bộ xã nhưng cuối cùng  đã đồng ý và còn mời cán bộ xã ăn cơm. Vui hơn nữa là phong trào các hộ dân tự vận động lẫn nhau, hộ đã hiến đất thuyết phục các hộ còn chần chừ… Lãnh đạo các xã cho biết thêm, vận động nhân dân hiến đất rất khó, nhiều người ngại nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền, trên dưới một lòng; vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, mưa dầm thấm lâu; các thắc mắc, băn khoăn, lo lắng đều được giải đáp hợp tình, hợp lý  nên dần dần tất cả các hộ dân đều thấy rõ ý nghĩa thiết thực của chương trình và tự nguyện tham gia. Thêm vào đó, các công việc liên quan tới xây dựng NTMKM đều công khai, minh bạch cả về quy hoạch, thiết kế tới thi công; dân giám sát; các ban, ngành, MTTQ các cấp giám sát nên tạo niềm tin cho nhân dân.  Quan trọng hơn nữa là sự phối hợp thông suốt, nhịp nhàng, chặt chẽ từ thành phố tới cơ sở. Trong thời gian qua, UBND thành phố ban hành khoảng 50 văn bản chỉ đạo thực hiện chương trình. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì cùng các sở, ngành, địa phương rà soát đề xuất danh mục đầu tư các công trình; Sở Xây dựng ban hành hướng dẫn rà soát, điều chỉnh quy hoạch các xã theo Bộ tiêu chí; Sở GTVT ban hành thiết kế điển hình đường giao thông xã NTMKM, thẩm tra xác suất hồ sơ công trình; Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu phân bổ vốn đầu tư công xây dựng các công trình, kiểm tra, giám sát; Sở Tài chính cấp kinh phí đầu tư… Các cơ quan báo chí dành thời lượng lớn để tuyên truyền sâu đậm về xây dựng NTMKM…  Trong 2 năm 2020 và 2021, ngân sách thành phố bố trí, cấp đủ 1083,79 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTMKM tại 8 xã.

Không tiếc sức người, sức của

Với mục tiêu huy động sự vào cuộc của nhân dân, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố xác định:  thành phố chỉ đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng; hỗ trợ vật kiến trúc trên đất hiến tặng, còn lại vận động nhân dân tự nguyện hiến đất mở đường, cải tạo, mở rộng bãi rác; xây dựng xã NTMKM phải do chính cộng đồng dân cư làm chủ, phát huy nội lực là chính.

Trên thực tế, đây là công việc hoàn toàn không dễ dàng, có rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi để thực hiện xây dựng các tuyến đường tại 8 xã liên quan tới hàng nghìn hộ dân. Thế nhưng, Hải Phòng đã làm được, 100% hộ dân đồng tình hiến, tặng đất. Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 2 năm 2020- 2021, 8 xã đã vận động 4682 hộ dân hiến tặng 124.224 m2 đất để xây dựng 201 công trình NTMKM, với giá trị tiền đất hiến tặng (theo giá giao dịch) lên tới khoảng 584 tỷ đồng, chiếm 34% tổng nguồn lực thực hiện các công trình xây dựng NTMKM. Lãnh đạo các xã đều khẳng định, cho dù thành phố có đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng nếu nhân dân không đồng tình, không trực tiếp tham gia, không tự nguyện hiến đất thì không bao giờ có được những công trình mới, những tuyến đường giao thông mới thênh thang, rộng mở tại các miền quê.  Bởi thế, giá trị đất đai do nhân dân tự nguyện hiến tặng không chỉ dừng lại ở con số 584 tỷ đồng mà còn được nhân lên gấp nhiều lần, là biểu tượng của “sức mạnh lòng dân” và là nhân tố quyết định thành công.

Thật đáng mừng, đáng ghi nhận khi tại mỗi xã đều có những tấm gương điển hình tham gia đóng góp xây dựng NTMKM mà cụ thể là sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng vì lợi ích chung. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch  UBND xã Tân Liên Lê Văn Ứng cho biết, xã có 712 hộ liên quan tới công tác GPMB thực hiện xây dựng xã NTMKM (580 hộ có đất thổ cư;132 hộ có đất nông nghiệp; 563 hộ có vật kiến trúc) nhưng hầu hết đều đồng tình. Trong đó, có nhiều hộ hiến đất thổ cư giá trị lớn như ở thôn Bắc Hải có hộ ông Lương Xuân Thái hiến 160m2 trị giá 1,2 tỷ đồng; ông Đào Văn Xuất hiến 124,6m2 đất trị giá 1 tỷ đồng; ở thôn Vĩnh Quang có ông Vũ Văn Dấu hiến 66,4 m2 trị giá 996 triệu đồng; ông Lê Văn Vường hiến 98,9 m2 trị giá 1,48 tỷ đồng; ông Vũ Văn Hải hiến 112 m2 cho thi công đường trục xã, trị giá 1,8 tỷ đồng…

Ở xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, phong trào nhân dân hiến đất mở đường cũng rất sôi động. Theo Chủ tịch UBND xã Vũ Duy Quận, đến nay xã có 272 hộ hiến đất nông nghiệp với tổng diện tích 3748 m2; 147 hộ hiến đất thổ cư với diện tích 4692 m2. Điển hình các hộ hiến đất thổ cư nhiều nhất là ông Hồ Xuân Xường, đảng viên, thôn Quế Lâm hiến 20,4 m2 trị giá 200 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Nom, đảng viên, thôn Phương Đôi hiến 32 m2, trị giá 220 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Hải, nông dân, thôn Phương Đôi hiến 35 m2 trị giá 245 triệu đồng… Tại xã Tân Dân, huyện An Lão, 501 hộ đã hiến gần 10.000 m2 đất ở. Trong đó có hộ bà Lưu Thị Kiên, thôn Việt Khê hiến gần 95 m2; ông Vũ Văn Thích bị mất tới 47% đất ở vẫn ủng hộ chương trình. Ngoài ra, còn có 350/350 hộ tự nguyện hiến đất nông nghiệp. Hộ ông Lê Văn Minh ở thôn Kinh Xuyên hiến nhiều nhất, tới 986 m2. Theo ông Phạm Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, 100% hộ dân đồng thuận và cam kết hiến đất làm đường, tổng diện tích đất hiến là gần 12.000 m2. Còn tại các xã Đồng Thái (huyện An Dương); Gia Minh, Gia Đức (huyện Thủy Nguyên) là những địa phương đã có chủ trương lên thành phố, lên quận, giá đất tăng vù vù nhưng người dân vẫn cơ bản đồng tình, vẫn hiến đất để thực hiện chương trình xây dựng NTMKM. Xã Xuân Đám, huyện Cát Hải có 157/157 hộ tự nguyện hiến tặng gần 5300 m2 đất trị giá hơn 613 triệu đồng. Bên cạnh đó, giá trị cây cối, hoa màu trên đất hiến của các hộ cũng lên tới gần 780 triệu đồng. Nhiều hộ không chỉ hiến đất 1 lần mà nhiều lần như hộ ông Lê Văn Bạch ở thôn An Thạch, xã Kiến Thiết; hay như hộ ông Nguyễn Văn Thoan ở thôn Vị Xuyên, xã Tân Dân sẵn sàng di chuyển cả phần mộ tổ tiên để góp phần xây dựng tuyến đường trục xã.

Có thể thấy, nhân dân cùng “xắn tay áo” xây dựng NTMKM chính là yếu tố quyết định để mang lại thành công. Đây không đơn thuần chỉ là giá trị vật chất mà bao hàm những ý nghĩa tinh thần sâu sắc, cho thấy rõ, khi lòng dân đã thuận thì việc gì cũng thành công, 8 xã NTMKM của Hải Phòng đã chính thức trở thành hiện thực.

                        (Còn tiếp)

Nhóm phóng viên Kinh tế

Kết nối

Hệ thống văn bản

THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Thực hiện dân chủ ở cơ sở Hệ thống văn bản